Không dành cho số đông
Cửa hàng trưng bày không quá cầu kỳ, chỉ vài sản phẩm mẫu đặt trong tủ kính tại một khách sạn 5 sao ngay trung tâm Hà Nội. Thương hiệu hàng xa xỉ này dường như không được đại đa số người tiêu dùng đi ngang qua chú ý. Thậm chí, để muốn vào xem, họ cũng phải loay hoay tìm cửa. Những chiếc túi xa xỉ bên trong có giá hàng nghìn đô không phải ai cũng chạm tới, chỉ dành riêng cho một số ít người Việt.
Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm tại các thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu, theo đánh giá của Savills, thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm.
Việt Nam được nhìn nhận là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, các nhà phân tích nhận định Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển ngành hàng xa xỉ.
Hãng hàng hiệu xa xỉ tham gia thị trường bán lẻ Hà Nội |
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn.
Mức độ chịu chơi của người Việt còn được biết tới qua nhiều sự kiện. "Sau chuyến 'lưu diễn' năm ngoái, hai mẫu đồng hồ 'The Bird Repeater' và 'The Charming Bird' đã tìm được chủ sở hữu tại Việt Nam với giá lần lượt 13 tỷ và 11 tỷ đồng", đại diện nhà phân phối thương hiệu Jaquet Droz (Thụy Sỹ) từng bật mí.
Không để các đại gia phải mất công sang tận Singapore, châu Âu hay Mỹ để sở hữu hàng hiệu, các thương hiệu hàng xa xỉ đua nhau tới Việt Nam nhằm phục vụ tận nơi nhà giàu Việt. Đang trong quá trình hoàn thiện, Louis Vuitton và Christian Dior chuẩn bị khai trương cửa hàng tại Hà Nội.
Theo danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới của Forbes, Louis Vuitton (LV) đứng đầu trong lĩnh vực đồ xa xỉ. Chiếc túi xách đắt nhất của thương hiệu này từng được bán với giá hơn 3 tỷ đồng. Sở hữu được một chiếc túi Louis Vuitton là mơ ước của rất nhiều người.
Tương tự, Christian Dior là nhà mốt xa xỉ bậc nhất tại Pháp. Những chiếc túi xách Dior có giá cao ngất ngưởng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều ngôi sao và là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ trên toàn thế giới. Năm 2017, Dior chính thức bị Louis Vuitton mua lại với giá 13 tỷ USD.
Trước đó, nhiều thương hiệu hàng xa xỉ khác đã có mặt tại Hà Nội như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe, Hublot, Christian Louboutin, Mont Blanc, Cartier, Hugo Boss, Bottega, Kenzo, Valentino.
Đại gia hàng hiệu
Trong lĩnh vực hàng xa xỉ, IPP Group đang chiếm vị thế với gần 70% thị phần hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Mảng kinh doanh thời trang - hàng hiệu của IPP được thực hiện thông qua 3 công ty là DAFC, ACFC và CMFC. DAFC - công ty phụ trách chính mảng phân phối hàng hiệu của IPP - là nhà phân phối của các thương hiệu cao cấp như Rolex, Bvlgari, Armani Exchange, Burberry, Cartier,...
Năm 2011, khi khái niệm mua hàng hiệu xa xỉ tại Việt Nam còn mới mẻ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt tay đầu tư loạt cửa hàng thời trang xa hoa ngay trên đại lộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).
Những chiếc túi có giá hàng nghìn đô |
Đến nay, ông được giới kinh doanh gọi là 'Vua hàng hiệu'. IPPG do ông và vợ điều hành đã mang về hơn 96 thương hiệu hàng đầu thế giới từ cao cấp đến trung cấp, thuộc nhiều lĩnh vực như thời trang, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ, nữ trang...
Tam Sơn, một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu tại Việt Nam với các thương hiệu lớn như Hermes, Patek Philippe, Chopard, Bottega Veneta, Boss,... Trong năm 2017, Tam Sơn thành lập Tam Sơn Yachting để phân phối du thuyền tại Việt Nam.
Ngoài ông Jonathan Hạnh Nguyễn và ông Đoàn Viết Đại Từ, một số gương mặt tại Việt Nam cũng tham gia kinh doanh hàng hiệu như ông Đỗ Ngọc Minh, CEO của Công ty Luala (và là con rể của ông Đào Hồng Tuyển) và người đẹp - doanh nhân Lý Nhã Kỳ.
Thách thức lớn
Ước tính, Covid-19 khiến doanh số của giới kinh doanh hàng xa xỉ Việt giảm sút đáng kể khi lưu lượng khách mua sắm giảm và hàng hóa thông quan không về kịp. Thị trường bước vào quý 2/2020 cũng là lúc bắt đầu giai đoạn cách ly xã hội. Một vài thương hiệu quốc tế đã hoãn kế hoạch ra mắt trong năm nay tại Việt Nam, nhất là tại TP.HCM, do ảnh hưởng của đại dịch.
Sự sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường bán lẻ xa xỉ, còn chi tiêu bán lẻ trong nước có thể bị giảm tạm thời do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.
Trong đại dịch, các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn hàng thiết yếu. Trong đó, hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền và chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Công ty tư vấn McKinsey dự báo doanh số thị trường hàng hóa xa xỉ toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 35% đến 39% so với năm trước. Do đó, sự sụt giảm ở thị trường trong nước là không ngoại lệ.
Sự ra đi của Leflair, trang chuyên bán hàng hiệu, cho thấy không phải ai cũng thành công. Ra đời năm 2015 tại Việt Nam bởi hai người sáng lập vốn là nhân sự của Lazada, Leflair tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Dù đã gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD và website thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Leflair vẫn phải rời bỏ thị trường Việt Nam với lý do "khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn".
Ở lĩnh vực xe sang, đại lý Rolls-Royce Motor Cars Hanoi đóng cửa, chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam. Giá bán mỗi chiếc Rolls-Royce tăng từ 13-30 tỷ đồng do việc thay đổi thuế khiến các dòng xe này càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng tại Việt Nam.
Mặc dù còn khó khăn nhưng các thương hiệu hàng xa xỉ vẫn kỳ vọng vào tương lai tươi sáng trở lại. Theo báo cáo của McKinsey, người tiêu dùng có khả năng quay trở lại sớm hơn với hàng hóa cao cấp, như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với mức tăng trưởng được dự báo từ 1% đến 4% vào năm 2021.
Duy Anh