Thúc đẩy xuất khẩu

Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2021 được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tình hình dich bệnh được kiểm soát hay không được coi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.

Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày... mặc dù tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

{keywords}
Đồng loạt nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nêu thực trạng, sau hơn 1 tháng nhiều địa phương thực hiện cách ly xã hội, rất nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến phải ngừng sản xuất vì không đáp ứng được các yêu cầu chống dịch.

Điều này kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất khác không thể duy trì sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp duy trì được sản xuất cũng luôn trong tình trạng khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tâm lý công nhân không ổn định vì giãn cách kéo dài…

Hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu đơn hàng tăng cao. Việc doanh nghiệp phải ngừng sản xuất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh về lâu dài.

Nhiều giải pháp kịp thời

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, các Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất như tạo luồng xanh trong vận chuyển, lưu thông mặt hàng gạo bằng đường thủy, tạo điều kiện về giờ làm việc cho nhân viên tại các cảng biển.

Từ Tổ công tác đặc biệt miền Nam, hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung. Các Tổ công tác đang tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, qua đó giúp lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất, đóng góp cho hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, tích cực đưa hàng hóa tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử.

Các hoạt động này đã giúp tiêu thụ rất tốt nông sản cho các địa phương: Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, các tỉnh, thành phố phía Nam… Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc hơn.

Ngay tại Quyết định 1993/QĐ- BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu là cần chủ động quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động trở lại, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, tất cả các Cục, Vụ của Bộ đều được yêu cầu vào cuộc, bám sát thực tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Đơn cử, Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu nông, thủy sản qua biên giới; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tiết hoạt động lưu thông hàng hóa phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh