Xuân Lộc là huyện đầu tiên ở Đồng Nai về đích nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có 8/14 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Mặc dù vậy, Xuân Lộc vẫn còn 5 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung. 

Đến nay, 14/14 xã thuộc huyện có số hộ dân sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 87,23% trên tổng số dân, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 68%. Trong khi đó, quy định của bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu này ở mức từ 65% trở lên. 

UBND huyện Xuân Lộc đã chỉ đạo các xã vận động giáo xứ trên địa bàn huyện đầu tư xây dựng hệ thống lọc nước tại các giáo xứ để cung cấp nước sạch cho các giáo dân trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã vận động các hộ dân đầu tư máy lọc nước hộ gia đình (toàn huyện hiện có gần 10.200 máy lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình).

Đồng thời, Xuân Lộc đang tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho 5 xã còn lại (Xuân Định, Bảo Hòa, Xuân Thọ, Suối Cao và Xuân Bắc) để đảm bảo về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

bru van kieu quang tri 18.jpg
Nước sạch là nhu cầu cơ bản của người dân. 

Huyện Xuân Lộc cũng đã làm việc với Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai trong việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch tập trung đến 5 xã trên. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 mới triển khai đầu tư.

Khi hoàn thành, dự án này có thể đảm bảo cấp nước cho các xã của huyện Xuân Lộc và đảm bảo cấp nước cho một số xã trên địa bàn TP Long Khánh. 

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Đồng Nai, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn gần 83%.

Tính đến giữa năm 2023, có 63 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 67.000 m3/ngày đêm trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, công suất hoạt động chỉ đạt 48% so với thiết kế. 

Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều hộ dân chưa thể đấu nối nước sạch do đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thành đấu nối vào các khu vực xa, đường hẻm còn cao. Một số hộ vẫn sử dụng cùng lúc nước máy và nước giếng khiến tỷ lệ sử dụng nước máy vẫn còn thấp.

Trước tình hình trên, Đồng Nai đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới 20 công trình cấp nước nông thôn nhằm tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch. Cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị xử lý nước cho các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình.

Bên cạnh đó, mở rộng việc đấu nối nước sạch từ các đường ống cấp nước của đô thị về vùng nông thôn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Thực tế những năm qua, Đồng Nai đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho 86 công trình nước sạch nông thôn. 

Năm 2022, tỉnh Đồng Nai tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương nhóm đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 21/120 (17,5%) xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 96/120 (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 22 khu dân cư kiểu mẫu.

Đồng Nai có nhiều huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Vĩnh Cửu... Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 của tỉnh Đồng Nai đạt hơn 143.800 tỷ đồng.

Năm 2023, tỉnh Đồng Nai thực hiện bộ Tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới với những tiêu chí gắn với phúc lợi xã hội để nâng cao chất lượng đời sống người dân. Trong đó, phấn đấu thu nhập bình quân năm 2023 phải đạt 80 triệu đồng/người/năm. 

Tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 83,5% (từ công trình cấp nước tập trung là 21,87%, từ đấu nối từ công trình cấp nước đô thị là 26,29%). 

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai dự kiến bố trí hơn 27.000 tỷ đồng từ ngân sách và huy động khoảng 127.000 tỷ đồng vốn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.

Văn Thường và nhóm PV, BTV