Cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh Thái Bình đã chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác và cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng NTM, hỗ trợ thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh. Các huyện đã bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, hỗ trợ các xã về đích NTM nâng cao. Ngoài ra, các xã cũng bố trí ngân sách đối ứng, để thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động huy động nguồn vốn tín dụng, vốn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

W-thaibinh-1.png
Nông thôn mới Quỳnh Phụ

Kết quả trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 3.395,26 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 661,6 tỷ đồng (chiếm 19,5%); nguồn ngân sách tỉnh 400 tỷ đồng (chiếm 11,78%); nguồn ngân sách huyện, thành phố 300 tỷ đồng (chiếm 8,83%); nguồn ngân sách xã 300 tỷ đồng (chiếm 8,83%); nguồn vốn lồng ghép từ các dự án khác 465 tỷ đồng (chiếm 13,7%); nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức 500 tỷ đồng (chiếm 14,7%); nguồn vốn tín dụng 425 tỷ đồng (chiếm 12,52%); nguồn huy động nhân dân đóng góp 343 tỷ đồng, chiếm 10,12%...

Từ nguồn vốn huy động, đến nay Thái Bình đã có 34 xã đã hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, trong đó có 26 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 8 xã được đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá đạt tiêu chí xã NTM nâng cao. Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 27 xã thuộc 7 huyện đăng ký xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kết quả nổi bật, là nguồn động viên to lớn, ghi nhận sự nỗ lực và quyết tâm phấn đấu rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Đức Yên và nhóm PV, BTV