Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh, thế mạnh của Đồng Nai là cây ăn trái và cây công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có trên 63,7 ngàn ha cây ăn trái, tăng gần 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng mới là hơn 8,3 ngàn ha.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 130 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ mới đáp ứng được hơn 20 ngàn ha, chiếm hơn 10% so với tổng số diện tích đất nông nghiệp cần phải tưới trên địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai trong mùa khô năm nay cũng hết sức khó khăn vì diện tích chủ động được nước tưới thấp; đặc biệt khả năng xâm nhập mặn cao ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

{keywords}
Đồng Nai đi đầu trong xây dựng NTM nhờ phát triển cây trồng có thế mạnh

Ứng phó với nguy cơ hạn, mặn, UBND tỉnh vừa ra chỉ thị về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2019 - 2020. Chỉ thị của UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước, đánh giá khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh trong mùa khô năm 2019 - 2020.

Chủ động chống hạn, mặn, ngay từ cuối năm 2019, Đồng Nai đã thực hiện chuyển đổi cây trồng và bố trí mùa vụ thích hợp; rà soát lại, nâng cấp các hệ thống thủy lợi. Đặc biệt, toàn tỉnh đã nhân rộng diện tích tưới nước tiết kiệm với khoảng 56 ngàn ha. Nhờ vậy, vụ đông - xuân 2019-2020, Đồng Nai được mùa cả về cây lúa và các loại cây trồng cạn. Riêng cây lúa diện tích khoảng 15 ngàn ha, năng suất lúa đạt 6,2 tấn/ha, tăng khoảng 6 tạ/ha so với vụ cùng kỳ năm ngoái.

Vĩnh Cửu là huyện thuần nông và có nhiều thành tích nổi bật về chuyển đổi cây trồng trong phát triển sản xuất với phong trào nông thôn mới. Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, điểm nổi bật của địa phương là đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây mang lại lợi nhuận cao. Cụ thể, từ hơn 3 năm trước, huyện đã chuyển đổi trên 197ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm và cây có múi.

Trong 2 năm 2017 - 2018, huyện Vĩnh Cửu cũng đã chuyển đổi gần 740ha đất trồng tràm, mía, điều sang trồng rau và cây có múi, nuôi trồng thủy sản... Địa phương cũng đã tổng hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017 - 2020 với diện tích chuyển đổi là gần 1 ngàn ha. Huyện đã xây dựng được 2 vùng sản xuất cây chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Bình và sản xuất xoài VietGAP tại xã Phú Lý.

“Nông dân Vĩnh Cửu cũng đang tập trung xây dựng các mô hình cánh đồng lớn cho cây ăn trái, xây dựng các chuỗi sản xuất minh bạch về nguồn gốc, chất lượng để đáp ứng tốt cả thị trường trong nước và xuất khẩu” - ông Phước nói.

Trần Hảo
Ảnh: Lê Hạnh