Đồng Nai hút vốn FDI tăng cao so với kế hoạch

Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đang ưu tiên triển khai các dự án giao thông kết nối vùng nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế. Đồng thời, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư để tăng thu hút dòng vốn FDI vào các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, nông nghiệp, du lịch, bất động sản, y tế, giáo dục…  

Dòng vốn FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. 

Trước năm 2010, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong cả nước thu hút vốn FDI mới chỉ chú trọng đến tạo công ăn việc làm; nhưng sau đó, Đồng Nai đã khắc phục những hạn chế để đón dòng vốn FDI lớn, chất lượng cao vào dự án công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật…

ảnh bài 38.jpg

Những năm qua, dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch của tỉnh. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp thực hiện nguồn vốn từ 1-1,1 tỷ USD. Nguồn vốn được giải ngân nhanh góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, góp phần tăng lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương.

Từ đó, các chỉ tiêu doanh thu, giá trị xuất - nhập khẩu, nộp ngân sách tăng đều qua các năm. Các mặt hàng xuất khẩu tập trung trong các lĩnh vực: điện tử, dệt may, giày da... Sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp có chất lượng cao, góp phần làm phong phú hàng hóa thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.       

Để có kết quả này, bên cạnh các chính sách, Đồng Nai luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư dự án. 

Đồng Nai còn đang tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu mỗi năm thực hiện đơn giản hóa 10% thủ tục hành chính, đưa tiêu chí này vào đánh giá xếp loại thi đua hoàn thành công vụ và cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Toàn bộ các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, nhiều thủ tục thực hiện trực tuyến, công khai quy trình và thời hạn giải quyết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Hiện đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực, nhưng công nghiệp vẫn là chủ đạo; trong đó, dẫn đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản và Singapore.

Dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn chưa “xứng tầm”

Kết thúc 10 tháng của năm 2024, Đồng Nai thu hút vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) được hơn 1,23 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước thu hút vốn FDI gần 27,3 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hiện Đồng Nai đang xếp thứ 8 cả nước trong thu hút vốn FDI. Tuy tỉnh có mức tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với bình quân cả nước trong thu hút FDI nhưng thực tế Đồng Nai đang bị lùi khoảng 2-3 hạng so với những năm trước.

Nếu so với kế hoạch thu hút FDI năm nay thì tỉnh đã vượt hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn chưa xứng tầm. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên vẫn nằm ở khâu thiếu đất công nghiệp diện tích lớn để cho doanh nghiệp thuê. 

Đồng thời, các dự án ở ngoài khu công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về thủ tục, đất đai. Cụ thể, nhiều dự án ngoài khu công nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, du lịch, thương mại dịch vụ, logistics…, nhà đầu tư vẫn đang đợi tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai để đưa vốn vào đầu tư.

Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách để các dự án trên nhiều lĩnh vực triển khai thuận lợi. Thế nhưng, do đợi các nghị định, thông tư, quyết định từ Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành nên sẽ có độ trễ trong thực hiện. Theo đó, nhiều dự án vẫn chưa thực sự khởi sắc như mong đợi của nhà đầu tư.

Tại Đồng Nai, khi vướng mắc về chính sách được khơi thông, còn cần các địa phương thực hiện nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. 

Đơn cử, một số dự án lớn doanh nghiệp FDI chỉ chờ hoàn tất hồ sơ, thủ tục sẽ đầu tư vào tỉnh hàng trăm triệu USD như: Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, Khu công nghiệp Amata mở rộng (thành phố Biên Hòa); Khu công nghiệp Long Đức 3, Khu đô thị Amata Long Thành, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành).

Đình Sơn