Theo thống kê năm 2021, trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, xảy ra 16 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 3 trường hợp tử vong do đuối nước. Năm 2022, có 24 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 1 trường hợp tử vong do đuối nước. Năm nay, có 9 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 1 trường hợp tử vong do đuối nước.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích trẻ em được xác định một phần do sự chủ quan của người giữ trẻ, trẻ em chạy xe lạng lách, đi hoặc đá bóng dưới lòng đường, leo trèo cầu thang, đùa nghịch...

tai nan.png
Cảnh sát giao thông phát hiện học sinh vi phạm luật giao thông. 

Để bảo vệ an toàn cho trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tháp Mười phối hợp cùng với các ngành triển khai, thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Năm 2022, 2023 các xã: Trường Xuân, Mỹ Quý, Mỹ Đông, Tân Kiều, Mỹ Quý, Thạnh Lợi và thị trấn Mỹ An được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình, kết quả có 90% hộ gia đình đăng ký đạt các tiêu chuẩn Ngôi nhà an toàn.

Đối với các xã không được chọn làm điểm của tỉnh, UBND xã, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp triển khai thực hiện các tiêu chí Ngôi nhà an toàn.

Huyện cũng đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng bơi cho trẻ. Từ năm 2022 đến nay, có hơn 137 lớp dạy bơi được mở, với hơn 4.000 em tham gia học bơi. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 hồ bơi, trong đó có 5 hồ bơi cố định, 3 hồ bơi di động được vận hành theo hình thức Nhà nước quản lý hoặc tư nhân đầu tư, vận động theo hình thức xã hội hóa, điều này góp phần phục vụ hiệu quả cho việc dạy bơi, phòng, chống đuối nước trên địa bàn huyện.

Thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, ngăn chặn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, nhiều địa phương tại Đồng Tháp triển khai đến 100% các đơn vị trường học chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của học sinh, phụ huynh về phòng, chống tai nạn thương tích. Thông điệp truyền thông thường xuyên được gửi tới phụ huynh, người chăm sóc trẻ, nâng cao sự quan tâm, giám sát con em, đặc biệt ở vị trí gần sông, kênh, rạch...

Mới đây, ngày 15/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, học sinh của tỉnh năm học 2023-2024. Ngoài ra chương trình còn được trực tiếp trên Kênh Facebook của trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, nơi diễn ra chương trình tập huấn.

Tại chương trình, các đại biểu là đại diện một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh được tập huấn các nội dung như kỹ năng phòng chống đuối nước kỹ năng tự nổi thoát hiểm trong môi trường nước; Thực hành kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ, kỹ năng xử lý đám cháy nhỏ bằng trang bị hiện có; Kỹ năng phòng chống bắt cóc, xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường.

Ngoài lý thuyết, các đại biểu còn được tập huấn thực hành kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách; Kỹ năng phòng chống thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện, ma túy học đường; Một số kỹ năng an toàn khác phù hợp lứa tuổi trẻ em, học sinh.

Buổi hội thảo nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục đối với nhiệm vụ đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong trẻ em, học sinh; giáo dục kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh tai nạn thương tích ở học sinh. Đồng thời, kiến thức từ buổi tập huấn giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo về tổ chức, giảng dạy, hướng dẫn cho trẻ em, học sinh những kiến thức, kỹ năng để phòng tránh tai nạn thương tích...

Trước đó, ngày 7/6, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu Xây dựng thí điểm mô hình phòng chống tai nạn, thương tích ở các nhóm có nguy cơ cao (trong đó có trẻ em) theo đặc thù của từng địa phương; lồng ghép các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông trong hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn.

Thanh Tuấn và nhóm PV, BTV