Tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành các kế hoạch hành động cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2022-2025.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.117 vùng trồng, diện tích 96.405 ha được cấp mã số phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Có 21 cơ sở đóng gói đăng ký cấp mã số, trong đó có 12 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số, tập trung ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, thành phố Cao Lãnh với các sản phẩm chủ yếu là: sầu riêng, ớt, khoai lang, xoài, mít, chuối,... xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia.

W-nongsan-3.png
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, có 2 cơ sở đóng gói đã được kiểm tra trực tuyến và 7 cơ sở đóng gói chờ thông báo, hướng dẫn từ Cục Bảo vệ thực vật. Tại huyện Châu Thành, các vùng trồng cấp mã số đã được liên kết tiêu thụ như: vùng trồng sầu riêng được Công ty TNHH Westernfarm liên kết thu mua với giá thỏa thuận, vùng trồng khoai lang của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hòa An đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty xuất nhập khẩu Âu Á. Cơ sở đóng gói được cấp mã số sẽ thu mua nông sản tại vùng trồng theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá thỏa thuận và theo thời điểm thị trường.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện 100% diện tích vùng trồng cây ăn trái; trong đó, có xoài tập trung được cấp mã số vùng trồng; thực hành sản xuất an toàn.

Hằng năm tỉnh tăng 10% diện tích đạt chứng nhận GAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn; thực hành sản xuất hữu cơ tăng 1% diện tích sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Văn Bắc và nhóm PV, BTV