Tuyên Quang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng, với gần 65%. Việc bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố quan trọng giúp Tuyên Quang bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội
Kể từ năm 2006 đến nay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định lĩnh vực lâm nghiệp là lợi thế phát triển kinh tế của tỉnh, từ đó có những chính sách cụ thể để khơi dậy sự vào cuộc của người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Khi người dân là chủ rừng, rừng đã được phát triển và bảo vệ tốt, tình trạng khai thác lâm sản trái phép được ngăn chặn kịp thời.
Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030. Ảnh minh họa Thành Huế |
Hiện toàn tỉnh có gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 47 nghìn ha rừng đặc dụng, hơn 121 nghìn ha rừng phòng hộ và hơn 280.110 ha rừng sản xuất. Nhờ chú trọng công tác phát triển rừng mà Tuyên Quang đã xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến gỗ, rừng đã mang lại giá trị kinh tế cho người trồng rừng.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng không chỉ nâng cao đời sống của người trồng rừng mà còn góp phần giữ gìn màu xanh cho đất, tạo động lực mạnh mẽ để Tuyên Quang thực hiện tốt mục tiêu trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp trong cả nước.
Sáng 22/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và dự thảo Đề án về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030.
Quan điểm của Nghị quyết là phát triển lâm nghiệp bền vững đảm bảo có sự thống nhất giữa quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản và các dịch vụ sinh thái rừng; phát huy tiềm năng vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội…
Dự thảo Nghị quyết đề ra một số mục tiêu như: Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; năng suất rừng trồng đạt bình quân 20m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác trên 5,5 triệu m3; đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững. Giai đoạn 2026-2030, năng suất rừng trồng đạt bình quân 22m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác trên 6,5 triệu m3.
Dự thảo Nghị quyết nêu 6 giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững.
Định hướng thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm yêu cầu các đại biểu tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả chế biến đa dạng các sản phẩm lâm nghiệp, giá trị gia tăng cao.
Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm về số liệu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm, tỷ lệ trồng rừng, làm rõ vấn đề sử dụng công nghệ cao để quản lý rừng, cảnh báo cháy rừng; chất lượng và sử dụng giống cây lâm nghiệp.
Ông Đặng Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đề xuất bổ sung cây tếch lai vào cơ cấu giống cây lâm nghiệp của tỉnh. Đồng chí cho biết, tại một số địa phương trong tỉnh đã liên kết với doanh nghiệp trồng thử nghiệm giống cây này, bước đầu được đánh giá cao về năng suất, giá trị kinh tế.
Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ
Kết luận phần thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cơ bản đồng tình với quan điểm, mục tiêu chung của dự thảo nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững. Đối với các mục tiêu cụ thể, đồng chí đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tham khảo thêm thực tiễn về năng suất, sản lượng, tốc độ tăng trưởng, thu nhập trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho tỉnh; lưu ý giải pháp về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, việc xây dựng các mô hình sản xuất tổng hợp mang lại giá trị hiệu quả kinh tế.
Về giải pháp, cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là về giống cây; chú trọng các giải pháp phát triển lâm nghiệp tổng hợp, tạo ra các mô hình sản xuất tổng hợp, hướng cơ chế tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu từ kinh tế lâm nghiệp.
Về quản lý, chú ý quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất giống cây trồng, không để tự phát, không rõ nguồn gốc; xây dựng quy trình canh tác đưa công nghệ cao vào chăm sóc, canh tác; ứng dụng các thiết bị hiện đại để theo dõi, quản lý bảo vệ tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm có giá trị từ gỗ…
Về phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, kỹ thuật viên giỏi về tạo giống; phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp.
Thúy Hạnh