Chuyển đổi số nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp sẽ xoay quanh 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, về chính quyền số, đến năm 2025 sẽ có 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4 và 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.
Về kinh tế số, ngành sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã). Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Phấn đấu xây dựng 07 làng thông minh, 07 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15 - 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử.
Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát Internet vạn vật (IoT), viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; về thông tin thị trường,...) thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số. 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn hỗ trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Về xã hội số, sẽ hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ IoT vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, mua bán trực tuyến.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính đồng bộ, nhất là sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người sản xuất. Cùng với đó, kế thừa và phát triển trên cơ sở nền tảng chuyển đổi số của tỉnh thuộc Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 làm tiền đề thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và công tác lưu trữ dữ liệu ngành nông nghiệp sau khi được số hóa.