1. Nơi nào của tỉnh Nam Định được in trên tờ tiền 2.000 đồng?

  • Khu công nghiệp Nam Định
  • Nhà máy Dệt Nam Định
  • Nhà máy Chỉ khâu Nam Định
  • Bảo tàng Dệt Nam Định
Chính xác

Tờ tiền 2.000 đồng được phát hành cùng ngày với tờ 1.000 đồng, vào 20/10/1989. Mặt sau của tờ tiền được in hình ảnh những nữ công nhân đang làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định. Đây từng được xem là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương, xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi người Pháp.

Năm 1924, số công nhân của nhà máy đã lên tới 6.000 người. Thời “vàng son”, mỗi khi đến ngày phát lương của nhà máy, mặt bằng giá cả thành phố biến động do người dân đổ xô đi mua bán.

2. Địa danh nào của tỉnh Nam Định cũng được in trên tờ tiền đồng?

  • Đền Trần
  • Chùa Phổ Minh
  • Chùa Cổ Lễ
  • Cột cờ Thành Nam
Chính xác

Cùng với Nhà máy Dệt, Chùa Phổ Minh hay chùa Tháp là một trong hai địa danh ở Nam Định được in trên đồng tiền mệnh giá 100 đồng và 2.000 đồng của Việt Nam. Hiện tờ tiền mệnh giá 100 đồng không còn được phát hành.

Chùa Phổ Minh là ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, cách thành phố Nam Định khoảng 5km. Năm 2012, chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo một số ghi chép, chùa được xây dựng từ những năm 1262, dưới thời nhà Trần. Chùa nằm về phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở. Tuy nhiên, các minh văn khắc trên bia, trên chuông lại cho thấy chùa có từ thời nhà Lý.

3. Tương truyền, ngôi chùa này sở hữu một trong bốn quốc bảo nào của Việt Nam?

  • Tháp
  • Chuông
  • Vạc
  • Tượng phật
Chính xác

Tương truyền, vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh là một trong tứ đại khí của Việt Nam. Đây là 4 kỳ quan, quốc bảo và công trình nghệ thuật do người Việt xưa hoàn thiện.

Vạc Phổ Minh được đúc vào năm Nhâm Tuất (1262), khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông về thăm Tức Mặc (thuộc Nam Định ngày nay). Vạc sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng hơn 6.000 cân. Tuy nhiên, vì chiến tranh, chiếc vạc đã bị phá hủy.

Những quốc bảo còn lại của Việt Nam bao gồm: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh); Tháp Báo Thiên (Hà Nội); Chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu (Hà Nội).

4. Vùng nào dưới đây xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng?

  • Đồng bằng sông Cửu Long
  • Tây Nguyên
  • Đồng bằng sông Hồng
  • Vùng núi phía Bắc
Chính xác

Tờ 1.000 đồng đầu tiên được phát hành ngày 20/10/1989 và vẫn có giá trị sử dụng cho đến nay. Mặt sau của tờ tiền được in hình chú voi đang kéo gỗ. Đây là hình ảnh rất đặc trưng và là phương thức vận chuyển gỗ phổ biến của vùng đất Tây Nguyên.

5. Nước nào từng sở hữu tờ tiền mệnh giá cao nhất thế giới - 100.000 tỷ đô?

  • Mỹ
  • Zimbabwe
  • Kuwait
  • Anh
Chính xác

Tháng 7/2008, tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe tăng không phanh, lên mức 2.200.000%. Chính phủ quyết định cho ra đời tờ tiền có mệnh giá cao nhất thế giới – 100.000 tỷ đôla Zimbabwe. Tuy nhiên, đồng tiền có mệnh giá lớn nhất này thực tế không đủ để mua một ổ bánh mì. Ngay sau đó, ngân hàng đã phải định giá lại đồng nội tệ bằng cách xóa bớt 10 số 0 trên các tờ tiền với hy vọng chia tay thời kỳ siêu lạm phát. Vì thế, tờ tiền có mệnh giá cao nhất thế giới này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.