Mời quý độc giả theo dõi video:

Năm 2013, xã Đông Văn thuộc huyện Đông Sơn là địa phương đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, các cấp ủy chính quyền, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân trong xã đã chung tay tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Năm 2021, Đông Văn được UBND tỉnh Thanh Hoá xác nhận đạt danh hiệu xã kiểu mẫu.

Bài học trong hành trình xây dựng nông thôn mới được Đông Văn rút ra là, để có được những “trái ngọt” trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia thì lòng dân phải thuận, do đó công tác tuyên truyền được xã đặc biệt chú trọng kết hợp nhiều hình thức từ tổ chức hội nghị quán triệt tại xã và các thôn, qua hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể đến qua hệ thống truyền thanh xã...

Các thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã trực tiếp xuống cơ sở họp với dân để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân. Thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để đề ra chủ trương, đề án, phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện.

Các lĩnh vực văn hóa - giáo dục, y tế cũng được Đông Văn chú trọng phát triển toàn diện. 7 thôn đã đạt chuẩn khu dân cư văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu; 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98,5%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 79,99%. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hểm y tế trên tổng dân số toàn xã là 4.558/4.794 người, đạt 95,077%.

Bước vào giai đoạn mới, Đông Văn đang hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Để bắt đầu cho hành trình này, Đông Văn sớm thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, phân công rõ nhiệm vụ từng bộ phận, cá nhân, thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng.

Các Tổ công nghệ số cộng đồng với trọng tâm là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, tuyên truyền cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền đến người dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống.

Đông Văn cũng là địa phương cấp xã điển hình xây dựng được phòng họp không giấy với 25 máy tính xách tay, tạo lập tài khoản cho 100% cán bộ, công chức, 25/25 đại biểu HĐND xã. Hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp thôn cũng được trang bị đồng bộ với 7/7 nhà văn hóa được trang bị ti vi, máy tính, máy in, phòng họp trực tuyến và thực hiện phòng họp trực tuyến từ xã xuống thôn, hiện thường xuyên được áp dụng trong các buổi học nghị quyết các cấp triển khai.

Ở những mặt đời sống khác, xã cũng triển khai hiệu quả công tác nông thôn mới. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay 100% các đường trục, ngõ xóm tại 57 tổ tự quản khu dân cư trên địa bàn xã đã được lắp đặt hệ thống camera an ninh với 105 vị trí, được kết nối hình ảnh, các hoạt động của khu dân cư về nhà văn hóa thôn.

Trong phát triển sản xuất, trên địa bàn xã có 60,3% hộ kinh doanh và người dân sử dụng các phương tiện thanh toán ứng dụng công nghệ số như mobile Banking, internet Banking, quét mã QR... để mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí...

Nhiều hộ sản xuất bánh đa nem, miến đã tận dụng nền tảng số để bán hàng như facebook, zalo và thực hành livestream. Xã có 1 sản phẩm OCOP là bánh đa nem mềm An Chi đã được đưa lên sàn thương mại điện tử “Nongsanantoanthanhhoa.vn” và đang được chủ cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu trên môi trường mạng.