Trưa 12/9, tức cách Tết Trung thu hơn một tuần, nhưng chị Lê Ngọc Yến - chủ bếp bánh tại Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) đã thông báo lên faecbook cá nhân dừng nhận đơn đặt bánh. Chị cho hay, việc đã quá tải, nếu tiếp tục nhận sẽ không làm xuể. Đây là năm đầu tiên chị phải dừng nhận đơn của khách sớm như vậy.

Chị cho biết, các loại bánh trung thu năm nay không tăng giá, khách đặt mua có xu hướng tăng. Song, chị vẫn phải dừng nhận đơn hàng vì không có nhân lực làm.

Những mùa Trung thu trước, bếp bánh của chị Yến có khoảng 7-8 người làm liên tục để kịp trả hàng cho khách. Năm nay, do giãn cách xã hội, bếp chỉ còn một mình chị làm, lượng bánh bán ra cũng chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái.

{keywords}
Trên "chợ mạng", bánh trung thu handmade vẫn khá sôi động (ảnh: Lê Ngọc Yến)
{keywords}
Giá bánh trung thu dao động từ 50.000-150.000 đồng/bánh tuỳ loại (ảnh: PH)

“Dịp này, tôi chỉ nhận đơn đặt hàng của những người thân quen, khu vực quanh nhà. Đến hôm vừa rồi cũng quá tải nên tôi không nhận nữa. Từ nay đến 14/8 Âm lịch, tôi tranh thủ làm để trả các đơn đã đặt trước đó”, chị Yến chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Tuyết, chủ một bếp bánh trung thu ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), cũng cho biết, chị dừng nhận đơn từ Chủ nhật vừa rồi vì quá tải.

Chị Tuyết làm bánh Trung thu bán đến nay đã được 6 năm. Vào mùa Trung thu, chị bắt đầu làm và bán từ 1/7 Âm lịch cho đến đúng ngày Rằm tháng Tám mới nghỉ. Bếp có hơn chục người làm, lượng bánh bán ra mỗi mùa tới gần vạn cái. Ngoài ra, chị còn bán các loại nhân bánh trung thu để phục vụ các gia đình mua về tự làm.

Còn dịp này, chị không làm nhân bánh bán, tập trung làm các loại bánh nướng, bánh dẻo vì tính cả chị nữa bếp chỉ có 4 người làm. Một ngày làm hết công suất được khoảng 300 cái bánh, khách đặt mua online lại tăng đột biến, thành ra mới quá tải sớm như vậy.  

{keywords}
Một hộp bánh trung thu chay giá có thể lên tới 500.000 đồng (ảnh: PH)
{keywords}
Năm nay vì giãn cách xã hội nên các bếp bánh thiếu nhân lực làm (ảnh: Lê Ngọc Yến)
{keywords}
Do vậy thời điểm này nhiều bếp bánh thông báo dừng bán (ảnh: PH)

Theo chị, những năm trước, khi vào mùa, bánh trung thu được bày đầy siêu thị, trên vỉa hè Hà Nội. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp dừng sản xuất, các siêu thị cũng ít bày bán bánh. Đây cũng là lý do khiến người dân tìm đến các bếp bánh online nhiều hơn.

Anh Phạm Hiếu - chủ bếp bánh trung thu ở Trường Chinh (Hà Nội) - thừa nhận, dòng bánh trung thu tươi trước nay vốn khá kén khách, bởi anh chỉ làm bánh chay, nguyên liệu đều là hàng organic vốn có giá đắt đỏ, song nay cũng quá tải đơn hàng.

Anh cho biết, bếp làm bánh trung thu được hơn 2 tuần. Đến nay, số bánh bán ra lên tới 4.000 cái. Xu hướng khách đặt mua bánh cho Tết trung thu đang tăng mạnh.

Bếp của anh Hiếu hiện chỉ có 7 thợ làm, một ngày làm được khoảng 600 cái. Vì thế, thời điểm này anh gần như chỉ nhận đơn khách lấy sỉ là mối quen, từ chối bớt khách lẻ. Các khách đặt sỉ cũng phải đợi ít nhất 2 ngày, không thì phải 3-4 ngày mới nhận được bánh vì đơn nhiều, nhân lực lại có hạn.

Trên “chợ mạng” những ngày gần đây, dòng bánh trung thu handmade do các bếp nhánh nhỏ lẻ làm vẫn khá sôi động. Giá bánh dao động từ 50.000-150.000 đồng/cái tuỳ loại và tuỳ kích cỡ. Song, nhiều người chuộng dòng bánh này phản ánh, dịp này đặt mua khá khó vì có bếp nghỉ bán, nhiều bếp còn hoạt động thì lại quá tải không nhận thêm đơn.

Như Băng

Thất nghiệp dài ngày, bà nội trợ Hà Nội tính khởi nghiệp với 3 triệu đồng

Thất nghiệp dài ngày, bà nội trợ Hà Nội tính khởi nghiệp với 3 triệu đồng

Vừa thất nghiệp đúng dịp giãn cách không thể tìm được việc làm thêm, bà nội trợ này nghĩ đến chuyện khởi nghiệp làm và bán bánh Trung Thu cho người thân, bạn bè, hàng xóm để có thêm một khoản tiền chi tiêu mùa dịch.