Cuối cùng thì người Pháp, hay nói đúng hơn là những chàng trai đến từ team LDLC đã giành được danh hiệu lớn đầu tiên trong sự nghiệp với chức vô địch giải CS:GO trong khuôn khổ sự kiện Dreamhack Winter 2014 vừa diễn ra vào cuối tuần qua.
Bên cạnh những màn thi đấu mãn nhãn, thì không ít người vẫn cho rằng giải đấu lần này đã cho thấy những thay đổi, cũng như những bất cập còn tồn tại của một trong những bộ môn eSports được nhiều game thủ quan tâm nhất thế giới hiện nay. Dưới đây là một vài điều nổi bật sau khi Dreamhack Winter CS:GO Championship 2014 kết thúc:
NiP đã trở lại
Sự thay đổi nhân sự, cũng như một tháng trời tập luyện không ngừng nghỉ tại khu villa riêng đã đem lại một làn gió mới cho team CS:GO từng được phong là những ông hoàng đến từ Thụy Điển này. Ngay từ đầu, huấn luyện viên kiêm chỉ đạo chiến thuật Faruk ‘pita’ Pita đã lên tiếng cho rằng NiP sẽ trở lại và giành lấy danh hiệu danh giá bậc nhất trong dịp cuối năm này.
Thế nhưng những gì họ thể hiện chỉ cách đây chưa lâu đã khiến không ít fan hâm mộ cảm thấy lo lắng. Sau ESL One Cologne, thành tích của NiP hoàn toàn không thuyết phục, nếu không muốn nói là cực kỳ tồi tệ với việc bị loại khỏi những sự kiện lớn như ESWC hay Dreamhack Stockholm ngay từ vòng loại.
Những gì NiP thể hiện tại Dreamhack Winter đã cho thấy việc thay đổi chiến thuật cũng như nhân sự, với AWPer mới Mikail ‘maikelele’ Bill đã hồi sinh NiP. Như Robin ‘Fifflaren’ Johansson đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn, NiP đã thành công trong việc thay đổi nhịp độ của những trận đấu với việc để Maikelele làm trung tâm và cho phép anh di chuyển một cách tự do thay vì chơi một cách thụ động với việc giữ AWP và phòng thủ ở một vị trí nhất định.
Cho dù phải đứng ở vị trí thứ hai một cách đầy đáng tiếc sau trận chung kết nghẹt thở với LDLC, thế nhưng những chàng trai Thụy Điển đã cho thấy một bộ mặt hoàn toàn mới sau 5 tháng trời liên tục thi đấu một cách bạc nhược trong các giải đấu hậu ESL Cologne 2014. Kỳ nghỉ xả hơi trước thềm giải đấu lớn đầu tiên trong năm 2015 tổ chức tại Colorado, Mỹ vào cuối tháng 01 tới là điều NiP cần, và xứng đáng được hưởng.
Fnatic – Chút danh dự còn sót lại
Bỏ qua những nghi vấn hack đặt lên những game thủ thi đấu cho Fnatic là JW và flusha, chỉ riêng vụ lùm xùm trong trận tứ kết ở map đấu thứ ba, Overpass giữa họ và LDLC đã khiến không ít người hâm mộ quay lưng với một trong những top team đến từ Bắc Âu này.
Nếu như Fnatic chỉ sử dụng bug đó trong một hoặc hai round để giành lợi thế sau khi đã bị dẫn trước với tỷ số “thê thảm” 13 – 3, thì có lẽ mọi chuyện đã không rùm beng lên như thực tế. Tuy nhiên việc lạm dụng bug stack người như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước trong cả hiệp thi đấu thứ 2 của map Overpass để giành chiến thắng trước LDLC rõ ràng là điều không thể chấp nhận.
Chưa kể, ngay cả một tượng đài của làng CS thế giới, Patrik ‘carn’ Sattermon, nay là quản lý của Fnatic cũng đã có một đoạn Tweet đầy tranh cãi khi cho rằng “CS là cuộc chơi nơi ai biết tận dụng bug và lỗi game sẽ giành được chiến thắng”. Phàm là một game thủ hâm mộ CS đích thực, chắc chắn sẽ chẳng có ai đồng ý nổi với carn với nhận định đầy tính quy chụp và “suy bụng ta ra bụng người” như thế này.
Ít nhất, ở giữa những tranh cãi gay gắt đó, Fnatic cũng đã làm đúng một việc, đó là từ bỏ quyền thi đấu lại map Overpass với LDLC, qua đó từ bỏ tấm vé để giành 250.000 USD. Thay vì chứng minh rằng họ có thể làm tất cả để giành chiến thắng, Fnatic lại cố gắng vớt vát chút danh dự còn lại sau những lùm xùm bao điều tiếng. Cho dù số lượng fan hâm mộ Fnatic giờ đây đã chẳng còn bao nhiêu, thế nhưng hành động này của những người Thụy Điển cũng rất đáng hoan nghênh xét trên góc độ một game thủ đam mê CS:GO.
Vòng bảng vẫn còn vấn đề
Với những team CS:GO mạnh của các khu vực như iBUYPOWER của Mỹ, Bravado Gaming của Đức hay Vox Eminor của Australia, thì việc bay cả chặng đường dài tới Thụy Điển chỉ để thi đấu 2 map và… đi về rõ ràng là điều chẳng vui vẻ gì. Đó là một vấn đề của việc lựa chọn format thi đấu của vòng bảng của ban tổ chức Dreamhack.
Valve và Dreamhack đã tổ chức hẳn một tuần lễ dành cho các team tham dự sự kiện bootcamp và tập luyện trước giờ G, thế nhưng vòng bảng lại chỉ diễn ra trong vỏn vẹn nửa ngày với tất cả các trận đấu vòng bảng diễn ra, nơi các team phải loại trực tiếp đối thủ của mình để giành tấm vé bước vào vòng trong. Rõ ràng điều này cho thấy sự phi lý trong việc thiết kế vòng bảng của ban tổ chức, khi một team sau khi thất bại ở lượt đấu đầu tiên lại chỉ có nhiều nhất là hai cơ hội để giành vé đi tiếp.
Một vòng đấu bảng với format tương tự như The International của DOTA 2 rõ ràng có sự hợp lý hơn khi cho các team tham dự có nhiều cơ hội hơn thay vì cố gắng thi đấu 3 trận và kỳ vọng vào may mắn để được đi tiếp.
Một phương án khác là, thay vì chia 16 đội ra làm 4 bảng, Dreamhack có thể chia các team thi đấu thành 2 bảng, cho đấu vòng tròn một lượt tính điểm. Khi đó mỗi team sẽ có 7 trận đấu chứ không phải 3 như những gì đã diễn ra. Tuy nhiên khó khăn nằm ở chỗ, số lượng máy móc không đủ ở sân thi đấu của Dreamhack, nên việc dời địa điểm thi đấu tới Inferno Online cũng chứa đựng khá nhiều bất cập, nhất là giữa thời điểm nạn hack trong cộng đồng game thủ CS:GO chuyên nghiệp đã và đang tạo ra những đám mây đen bao trùm lên cộng đồng hâm mộ.
Cho dù thế nào đi chăng nữa, thì vòng bảng của Dreamhack Winter 2014 vẫn chứa đựng những điều bất lợi cho các team thi đấu trong giải, đặc biệt là khi những team như Penta eSports, ESC Gaming hay Bravado đã có những màn trình diễn cực kỳ ấn tượng xét tới danh tiếng của họ tại giải đấu vừa rồi.
CZ75 – Kẻ tội đồ của làng CS:GO
Trước đây, khi CZ75 được giới thiệu, nhiều game thủ đã mừng thầm trong bụng khi cuối cùng họ cũng có một món vũ khí hợp lý, thậm chí là hơi bá đạo quá mức khi buộc phải khởi đầu round eco.
Thế nhưng chính khẩu súng ngắn này đã biến CS:GO trở thành một nơi không còn được như trước đây. Nếu như trong quá khứ, khi CZ75 chưa xuất hiện, việc một team giành được chiến thắng trong round eco là thứ khiến cho cả cộng đồng phấn khích, thì giờ đây, chỉ cần sơ sảy một chút, bạn hoàn toàn có thể để đối phương chiếm ưu thế, thậm chí là thất bại ngay khi đối thủ đang phải eco với khả năng bắn nhanh và độ giật thấp của món vũ khí này.
Ngay cả khi nâng giá từ 300 lên 500 USD trong game, cũng như thay đổi chỉ số hoạt động, nó vẫn là một trong số những món vũ khí đáng gờm và gây khó chịu bậc nhất ngay cả với những game thủ hàng đầu. Tại Dreamhack Winter, CZ75 đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những món vũ khí nguy hiểm nhất, chỉ đứng sau AK46, M4A1-S và AWP. Điều này cho thấy, CZ75 vẫn là cứu cánh hoàn hảo để lật ngược thế cờ của một trận đấu, điều khiến cho những trận đấu CS:GO mất đi tính cân bằng vốn có.
Một giải pháp để CZ75 tiếp tục tồn tại trong CS:GO chính là việc nâng giá chúng lên 1.000 USD in game, và đưa nó vào hạng mục Sub-Machine Gun, thay vì Pistol như hiện tại. Tuy nhiên đối với nhiều top player trên thế giới, sau những gì CZ75 thể hiện, họ luôn muốn xóa sổ hoàn toàn món vũ khí “siêu imba” này khỏi tựa game mà họ yêu quý.