Lời tòa soạn:

Thời gian vừa qua, cơ quan công an đã bắt giữ nhiều đại gia để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những đại gia này vẽ ra các “dự án ma” để lừa bán bất động sản. Có không ít nhà đầu tư chỉ từ những lời "rỉ tai" của người quen, tin lời người môi giới đã xuống tiền mà không tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, cũng như là những thông tin cần thiết trước khi tham gia đầu tư, để rồi trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.

Chiêu lừa tinh vi

Theo cáo buộc, ngày 9/5/2018, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba), bà Trương Thị Hồng Ngọc (Giám đốc Công ty Tia Chớp - Công ty con của Công ty Alibaba) mua hơn 54 nghìn m2 đất tại xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Bà Ngọc đã đại diện cho Công ty Tia Chớp ký hợp đồng hợp tác với Công ty Alibaba về việc giao cho Công ty Alibaba thực hiện các công việc tìm kiếm khách hàng, tư vấn bán hàng, nhận tiền đặt cọc… để thực hiện phân phối sản phẩm đất nền thuộc thửa đất 54 ngàn m2 trên.

Nguyễn Thái Luyện tại tòa.

Sau đó, ông Luyện đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới tự vẽ dự án Alibaba Phước Bình Central Park, bằng cách chia thửa đất nông nghiệp thành từng lô và lừa bán cho nhiều khách hàng, chiếm đoạt số tiền lớn. 

Ngày 22/5/2018, bà Ngọc tiếp tục mua 2 thửa đất khác ở xã Phước Bình, với tổng diện tích hơn 55 nghìn m2. Tiếp đó, bà Ngọc ký hợp đồng hợp tác giao cho Công ty Alibaba thực hiện các công việc tìm kiếm khách hàng, tư vấn bán hàng… để ông Luyện chỉ đạo cấp dưới tự vẽ dự án Alibaba Phước Bình Central Park 2 rồi chia lô ra lừa bán cho nhiều khách hàng. 

Sau đó, ông Luyện chỉ đạo giám đốc các công ty con của Công ty Alibaba mua hàng trăm nghìn m2 đất tại các xã ở địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu), huyện Hàm Tân (Bình Thuận) lập thành các dự án Alibaba Phước Thái Capital; Alibaba Long Phước Industry; Alibaba Phú Mỹ Central City; Alibaba Phú Mỹ Central City 2; Ali Venice City; Alibaba Phú Mỹ Center City, để lừa bán cho các khách hàng.

Qua xác minh tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, toàn bộ đất ở các dự án trên đều là đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm hoặc đất trồng cây hàng năm). 

UBND các địa phương nơi Công ty Alibaba lập dự án không hề nhận được hồ sơ xin lập dự án và Công ty Alibaba cũng không làm thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án phân lô, bán nền tại các thửa đất nói trên. Nhưng đã có 1.418 người bị hại đổ tiền đầu tư vào các “dự án ma” kể trên.

Tháng 5/2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện án tù chung thân.

Nữ đại gia lừa bán đất tại dự án “ma” Golden Lake

Tháng 7/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Bạch Thị Thu Hường (cựu TGĐ Công ty CP đầu tư Bất động sản Cổng Vàng- viết tắt là Công ty Cổng Vàng) mức án 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ án, HĐXX cũng tuyên phạt Phạm Mạnh Cường (cựu Phó TGĐ Công ty Cổng Vàng), Nguyễn Văn Phương (SN 1990, ở Hà Nội): 10 năm tù và Nguyễn Thanh Hải (SN 1968, ở Hà Nội): 12 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: T.N

Theo bản án sơ thẩm, khoảng tháng 4/2019, TGĐ Công ty Cổng Vàng Bạch Thị Thu Hường và Phó TGĐ Phạm Mạnh Cường bàn bạc thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Thanh Hải về việc bà Hường đặt cọc cho ông Hải 1 tỷ đồng để mua 10.000 m2 đất nông nghiệp của vợ chồng ông Hải.

Ông Hải cam kết sẽ phân lô, tách thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng thửa đất và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc.

Đến đầu tháng 5/2019, bà Hường ký hợp đồng đặt cọc 1 tỷ đồng cho vợ chồng ông Hải để mua 10.000 m2 đất nông nghiệp nói trên. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, bà Hường thuê người vẽ sơ đồ thửa đất thành 101 lô, tổng diện tích hơn 11.000 m2, đặt tên là "Khu dân cư Golden Lake".

Đến ngày 9/5/2019, bà Hường thoả thuận ký hợp đồng cho Công ty Grand Realty của bị cáo Nguyễn Văn Phương được độc quyền quảng cáo bán các lô đất theo bản đồ phân lô, với phí hoa hồng 15% giá trị các lô đất bán được theo bảng giá của Công ty Cổng Vàng.

Ông Phương đã liên kết với các công ty môi giới để quảng cáo bán đất nền dự án Golden Lake. Bị cáo cung cấp thông tin, tài liệu về dự án cho nhân viên các công ty môi giới bất động sản để đăng tin, hình ảnh sơ đồ phân lô thửa đất, viết bài quảng cáo về dự án Khu dân cư Golden Lake trên mạng Internet, mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm kiếm khách hàng.

Bị cáo còn sử dụng danh nghĩa Công ty Grand Land do mình là Chủ tịch HĐQT để gửi thư mời, tổ chức hội thảo tại trụ sở công ty để các nhân viên môi giới mời khách đến tham dự. Tại hội thảo, ông Phương giới thiệu các thông tin về quy hoạch và tiềm năng phát triển khu vực Hòa Lạc, thông tin về dự án Khu dân cư Golden Lake và tiềm năng đầu tư với khách hàng...

Từ ngày 17/5-1/7/2019, có 70 khách hàng tin tưởng vào các thông tin quảng cáo của Công ty Cổng Vàng và các công ty môi giới bất động sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên ký hợp đồng với bà Hường để mua 78 lô đất trong tổng số 101 lô đất.

Bà Hường đã thu của 70 khách hàng đặt mua 78 lô đất số tiền hơn 60 tỷ đồng. Khi biết khu dân cư Golden Lake chỉ là “dự án ma”, khách hàng đã đòi lại tiền.

Câu chuyện mất tiền vào “dự án ma” như trên không còn là hiếm, những kẻ lừa đảo lần lượt phải tra tay vào còng, nhưng dường như nhiều nhà đầu tư vẫn chưa rút ra bài học cho riêng mình.

Theo thống kê của Bộ Công an, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cục Cảnh sát hình sự (C02- Bộ Công an) chỉ ra nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất... 

Theo đại diện C02, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường dùng nhiều thủ đoạn, trong đó phải kể đến chiêu lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo và dự án bất động sản… 

Các đối tượng lừa đảo lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.