Dự án tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (Yên Hòa – Cầu Giấy) với hàng loạt sai phạm liên tục bị “tuýt còi” đình chỉ nhưng rồi dù có là sai phạm gì cứ “tiền trảm hậu tấu” lại được hợp thức hóa. Nếu như dự án nào cũng được chủ đầu tư “uốn lượn” như dự án này thì bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ ra sao?

Chóng mặt thay đổi

Như báo VietNamNet đã phản ánh về tình trạng “Thi công cao ốc ‘kéo trôi’ nhà cả dãy phố” nêu lên vấn đề trong việc xây dựng tại 2 dự án cao tầng là dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư và dự án xây dựng trụ sở của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (Công ty CCIC) gần khu vực gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại tổ 50 (nay là tổ 44) phường Yên Hòa.

Trong đó, dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư là công trình đã liên tục được thay đổi theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Vấn đề về an toàn khi thay đổi kết cấu của công trình được đặt ra không chỉ là an toàn kết cấu công trình mà vấn đề an toàn cho những công trình xung quanh có được đặt ra?

{keywords}

Khu vực thông tầng chủ đầu tư vi phạm bố trí bể bơi

Được biết, năm 2006, Công ty TNHH Thăng Long bị thu hồi đất tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) để xây dựng trụ sở Bộ Công an. Đổi lại, Công ty được UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy cấp cho khu đất thuộc tổ 50 phường Yên Hòa để xây dựng toà nhà văn phòng cao 17 tầng làm trụ sở công ty.

Nhưng khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư dự án không thực hiện theo hồ sơ đã được phê duyệt, mà đã từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng) và thay đổi chức năng của tòa nhà (từ văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, căn hộ chung cư). Trong quá trình thi công từ năm 2011 đến năm 2014, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thăng Long đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, lập biên bản đình chỉ, yêu cầu cắt điện, nước thi công.

Không dừng lại ở đó, sau khi thành công trong việc xin giấy phép xây dựng, nâng số tầng xây dựng, thời gian gần đây công trình này lại tiếp tục sai phạm và bị đình chỉ.

Theo thông tin tìm hiểu của PV VietNamNet, sai phạm tại công trình lần này phương án xây dựng sai khác so với thực tế so với hồ sơ phương án thiết kế kiến trúc được duyệt tăng thêm khoảng 587m2 diện tích sàn xây dựng. Chủ yếu là phần diện tích đã thi công sàn lấp khoảng thông tầng tại các sàn căn hộ, theo phương án thiết kế được duyệt để sử dụng làm lô gia các căn hộ, bình quân khoảng 22m2/tầng, tăng thêm khoảng 49m2 phần diện tích tầng kỹ thuật, tăng khoảng 8m2 tầng mái.

Được biết phần sai phạm này là do chủ đầu tư tiến hành chuyển đổi một phần diện tích sàn trụ sở văn phòng làm việc của công trình sang nhà ở và bố trí bể bơi trên tầng mái.

Theo “kịch bản” đã được lặp đi lặp lại tại dự án, Công ty TNHH Thăng Long tiếp tục đề nghị xin được điều chỉnh để hợp thức hóa cho hàng loạt sai phạm trên.  

Chủ đầu tư “nhờn luật”?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long - chủ đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long cho biết những sai phạm lần này TP đã yêu cầu Sở Xây dựng xử phạt, Sở Xây dựng xử phạt xong rồi thì quay lại Sở Quy hoạch – Kiến trúc để người ta phê duyệt. Sở Quy hoạch – Kiến trúc yêu cầu làm phần kết cấu tòa nhà có phù hợp hay không thì Bộ Xây dựng đã có kết luận về kết cấu tòa nhà.

{keywords}

Cơ quan chức năng sẽ phải cấp bao nhiêu giấy phép đối với dự án này?

Thông tin tìm hiểu của PV, theo kết quả thẩm định điều chỉnh kết cấu công trình do Cục Quản lý hoạt động xây dựng thông báo ngày 17/8/2015 ghi:“Công trình Tòa nhà hỗn hợp thuộc dự án Trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, khi được điều chỉnh phương án thiết kế một phần diện tích sàn trụ sở văn phòng làm việc của công trình sang nhà ở và bố trí bể bơi trên tầng mái là đủ điều kiện để trình phê duyệt” – kết luận nêu. Như vậy công trình sẽ lại được tiếp tục xây dựng? 

Đến thời điểm này dù có những sai phạm ông Đức vẫn tỏ ra rất tự tin khẳng định: “Các hồ sơ đều hoàn hảo”. Liên quan đến các sai phạm mới đây tại công trình theo ông Đức, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chưa có ý kiến. Chủ đầu tư đã có văn bản hồ sơ gửi đầy đủ rồi nhưng chưa được phê duyệt, qua 2 – 3 lần lần nào cũng bảo bổ sung bổ sung. Thời gian tới Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ làm việc cụ thể với công ty.

Một dự án với hàng loạt sai phạm liên tục bị “tuýt còi” đình chỉ nhưng rồi cứ “tiền trảm hậu tấu” lại được hợp thức hóa tạo nên tâm lý trong dư luận phải chăng sai phạm gì cũng có thể hợp thức hóa?

Lâu nay, việc sai phạm trong xây dựng các công trình, dự án đã trở thành “cơm bữa”. Cơ chế “tiền trảm hậu tấu” hiện nay không chỉ xảy ra ở dự án Thăng Long – Yên Hòa mà đang được áp dụng trên nhiều dự án tại Hà Nội. Chính điều này tạo nên những tiền lệ xấu cho việc xây dựng trái phép các dự án một cách tràn lan.

Trong lĩnh vực xây dựng “sai một ly đi một dặm” đó là sự lộn xộn của một thành phố, là sự xô bồ của kiến trúc đô thị. Vậy tại sao những công trình “sai nhiều ly” vẫn “chui lọt” hết lần này đến lần khác, ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận và các cơ quan chức năng?

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Hồng Khanh