W-khu-ma-lang-nguyen-hue-0098-1.jpg

Ở trung tâm TP.HCM có một khu nhà "siêu" nhỏ với 500 ngôi nhà dùng mái tôn, khá xập xệ, nằm san sát uốn lượn theo các con hẻm, được gọi là khu Mả Lạng, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Diện tích mỗi căn ở đây chỉ từ 4-10m2.

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-6706-1.jpg

Các ngõ ngách ở đây sâu hun hút, chật chội và thiếu ánh sáng, vào ngày mưa to thường bị đọng nước và ẩm thấp. Người dân qua lại khu vực này phải di chuyển qua các con đường chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 1m do hàng dài xe máy, đồ đạc để đầy trước cửa nhiều ngôi nhà.

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-6711-1.jpg

Giữa không gian sống hạn hẹp, trẻ em trong xóm phải vui chơi giải trí ngay trên đường đi lại. Khoảng rộng hiếm hoi tại ngã ba giao với hẻm 117 Cống Quỳnh được xem là khu sinh hoạt chung của người dân khu Mả Lạng. Những buổi chiều, các em nhỏ thường rủ nhau chơi đá bóng, còn người lớn đến hóng mát, uống nước trò chuyện.

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-6751-3.jpg

Để đảm bảo an toàn, nhiều biển cảnh báo tốc độ, phòng cháy chữa cháy được dán trên tường. Bà Lê Thị Thùy - Tổ trưởng dân phố - cho biết, nơi đây có đặc thù là đông dân cư, nhà nhỏ, dây điện chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nên nhiều hẻm được bố trí lối thoát hiểm dẫn ra đường lớn.

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-6719-1.jpg

TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng với tổng diện tích 6,8ha nhằm chỉnh trang đô thị từ năm 2000 nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án không được thực hiện suốt hơn 2 thập kỷ qua. Dù thiếu thốn đủ đường song những người dân nơi đây đã dần "khổ quen rồi, sướng không chịu được".

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-1-1.jpg

Mọi sinh hoạt của bà Nguyễn Thị Đó (sinh năm 1949) cùng 6 người con diễn ra trong căn phòng vỏn vẹn 10m2. "Gia đình tôi phải sử dụng giường xếp cùng võng nằm ngủ để tối ưu diện tích. Ban ngày đi làm tôi sẽ thu gọn lại", bà Đó kể.

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-16-3.jpg

Hơn 40 năm sinh sống tại khu Mả Lạng, ông Lua Deng Soan ít khi mời ai đến chơi vì nhà quá nhỏ, không thể đón tiếp chu đáo. Thông tin giải tỏa đã từ lâu, các hộ dân nơi đây không dám sửa chữa nhà cửa vì một ngày nào đó sớm phải di dời. "Tôi không dám mơ đến chuyện thay đổi chỗ ở", người đàn ông 76 tuổi nói.

W-khu-ma-lang-29-1.jpg

Bà Cẩm Thoa sống cùng gia đình 12 người trong căn nhà 2 gác, rộng 15m2. Cầu thang nhà bà được bắc trước hẻm để tiết kiệm diện tích. 

W-khu-ma-lang-nguyen-hue-0090-1.jpg

Khu Mả Lạng còn được gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh. Trước năm 1975, nơi này có nhiều ngôi mộ nằm xen cài với nhà dân, cái tên “Mả Lạng” cũng xuất phát từ đó.

Giai đoạn 1975-1985, các ngôi mộ tại khu vực này được di dời đi. Khi đó, nhiều người dân TP.HCM được vận động đi vùng kinh tế mới nhưng vì điều kiện sống khắc nghiệt đã quay trở về, không có nơi ở. 

Để giải quyết tình trạng này, TP.HCM đưa các hộ dân về Mả Lạng để họ xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Khu vực này cũng từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội.  

Năm 2000, UBND TP.HCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng (khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh) với diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh.

Ban đầu, dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tổng số nhà phải giải tỏa là 1.424 căn. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, dự án tiếp tục bị treo đến nay.

Đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất, cũng như điều tra, khảo sát lập phương án tái định cư.

Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018. Tuy nhiên cho đến nay, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vẫn dậm chân tại chỗ do vướng vấn đề pháp lý. Do đó, từ giữa năm 2022, UBND TP.HCM đã giao các đơn vị nghiên cứu cơ sở pháp lý, tham mưu chấm dứt dự án.

  Nguyễn Huế - Khang Ngờ