Ngày 16/5, Trường ĐH Lâm nghiệp và một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo bàn về định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điểm qua một số thành tựu của ngành lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp, với những con số ấn tượng như đạt 42% diện tích che phủ rừng, xuất siêu 13 tỉ đô la Mỹ.

“Nhờ có khoa học công nghệ thì ngành lâm nghiệp mới phát triển mạnh được như thế” - ông Doanh nói.

PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Doanh, để đánh giá được vai trò của khoa học công nghệ, của các nhà khoa học, đối với phát triển ngành lâm nghiệp thì phải nhìn vào một giai đoạn dài, chứ không chỉ nhìn vào một vài năm.

“Nếu không nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp rừng trồng từ cách đây rất nhiều năm thì làm sao chúng ta có rừng trồng phát triển, tạo ra nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất sản phẩm lâm nghiệp như thế. Chúng ta xây dựng được hệ thống chế biến gỗ và nội thất rất hoành tráng là bởi ngày càng tiếp cận được nhiều công nghệ hiện đại, chi phí ngày càng giảm, chất lượng mẫu mã ngày càng cao.

Chúng ta tiếp cận, giải quyết được vấn đề môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học… cũng nhờ có các nhà khoa học quan tâm các vấn đề này từ sớm. Ví dự như từ năm 2006, Trường ĐH Lâm nghiệp đã thành lập Viện Sinh thái rừng và môi trường. Chúng ta không chỉ có 2 cơ quan nghiên cứu lớn là Trường ĐH Lâm nghiệp và Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp tham gia đóng góp cũng rất đông”, ông Doanh chia sẻ.

Ông Doanh cho rằng, để phát triển lâm nghiệp và nền kinh tế lâm nghiệp, dư địa còn rất lớn, nhờ các vấn đề với các thị trường Mỹ, EU hiện đã được giải quyết tương đối ổn thoả. Tuy nhiên, dư địa tài nguyên lại không còn nhiều vì đất trồng rừng khó có thể mở thêm được nữa. Do đó, rất cần đến sự giúp sức của khoa học công nghệ.

“Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội”, ông Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra nhiều câu hỏi và nói cần các nhà khoa học nghiên cứu để trả lời: Chúng ta phải phát triển thế nào, trong điều kiện nguồn nguyên liệu thế này? Vẫn rừng như thế này, vẫn các loại cây thế này… chúng ta có đáp ứng thị trường trong những năm tới không? Chúng ta biết là cần gỗ lớn, nhưng muốn có gỗ lớn thì phải làm thế nào?,... Rồi giống cây thế nào, thâm canh ra sao…, chúng ta rất cần nhiều công nghệ mới, đều cần khoa học...

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp

Đại diện Trường ĐH Lâm nghiệp cho hay, một trong những mục tiêu trong giai đoạn tới của trường là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất. Số lượng các đề tài, dự án, công trình, dịch vụ khoa học công nghệ tăng ít nhất 10%/năm, đóng góp tích cực cho công tác đào tạo và bổ sung nguồn thu cho tiến trình tự chủ của trường.

Thanh Hùng