Hơn 10 năm nay,  ông Trần Văn Toán (79 tuổi), trú thôn Bắc, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) kiếm sống bằng nghề được xem là “độc lạ”, đó là dịch vụ cho du khách cưỡi trâu, chụp ảnh ở Cố đô Hoa Lư.

Mỗi sáng, ông Toán dắt trâu đưa ra cánh đồng gần nhà cho ăn cỏ, gần trưa thì "trang điểm" cho chú trâu rồi đưa đến khu di tích Cố đô Hoa Lư làm “mẫu ảnh”.

Ông Toán chăm sóc cho con trâu của mình, mỗi ngày thu nhập được từ 100.000 đến 300.000 đồng.

“Trước kia gia đình tôi mua trâu về để phục vụ việc cày bừa. Nhưng bây giờ già rồi không làm ruộng nữa, cũng không nỡ bán trâu nên những lúc đi chăn thả ở khu vực gần khu di tích thấy nhiều đoàn khách quốc tế tò mò, xin chụp hình. Từ đó, tôi đã nghĩ ra việc "trang điểm" cho chú trâu để du khách chụp ảnh”, ông Toán tâm sự.

Trước khi đưa trâu đi làm “mẫu ảnh”, ông Toán cho trâu tắm rửa sạch sẽ, trang trí hoa đội đầu, lưng cho mặc áo đỏ, trên đầu có treo chuông, quấn khăn đỏ quanh cổ và đầu. Không những thế ông còn tự mình lên núi hái những cành lau làm dụng cụ cho du khách cầm chụp ảnh để tái hiện lại hình ảnh vua Đinh Tiên Hoàng từng cưỡi trâu dẹp loạn 12 sứ quân.

Khách Tây thích thú chụp ảnh.

Theo ông Toán, việc trâu làm “mẫu ảnh” không chỉ thu hút du khách quốc tế mà khách du lịch trong nước cũng rất thích thú. 

Ông Nguyễn Thế Anh, một du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ, thời bé ông cũng thường cùng các bạn đi chăn trâu giúp bố mẹ, từng cưỡi trâu, tắm sông cùng bạn bè. Đã trải qua vài chục năm, giờ được cưỡi trâu, ôn lại kỷ niệm xưa trong chuyến du lịch này.

Một du khách quốc tế sau khi chụp ảnh cưỡi trâu làm kỷ niệm đã thích thú chia sẻ: "Tôi đã từng xem hình ảnh con trâu trên tivi nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy con trâu ngoài đời thật. Con trâu ở Việt Nam rất đẹp…" 

Để trâu có sức khỏe tốt phục vụ du khách, hàng ngày vợ chồng ông Toán chăm sóc chú trâu cẩn thận từ việc ăn uống, nghỉ ngơi... 

“Mỗi lần du khách muốn cưỡi lên lưng trâu để chụp ảnh tôi thường xin họ 20.000 đồng, không tính thời gian là bao lâu. Có người cho ít, cho nhiều cũng giúp vợ chồng tôi có đồng ra đồng vào mua gạo, thức ăn trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngày ít vợ chồng tôi kiếm được hơn 100 nghìn đồng, ngày nhiều thì 200-300 nghìn đồng.” ông Toán cho hay.

Trần Nghị