Cách nay ba năm, trong khuôn khổ hợp tác với CIAT khu vực Châu Á tại Hà Nội về việc xác định các rủi ro khí hậu và các vấn đề liên quan cho các vùng sinh kế trên cả nước, Cục Trồng trọt và CIAT đã triển khai thí điểm dịch vụ khí hậu cấp xã cho vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, ở cấp huyện trong vụ lúa hè thu 2021 và quy mô cấp tỉnh trong vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 tại tỉnh Tiền Giang.

Thông tin này đã giúp cán bộ và nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất và đưa ra các quyết định quản lý, chăm bón trong nông nghiệp tốt hơn. Do đó, tránh được tác động tiêu cực của điều kiện thời tiết và khí hậu bất lợi đối với cây trồng, vật nuôi và được nông dân tỉnh Tiền Giang đồng thuận, đánh giá cao.

Kết quả triển khai thực hiện thí điểm, là cơ sở để Cục Trồng trọt đề xuất mở rộng việc áp dụng phương pháp này tới các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Qua đó, nhân rộng phương pháp triển khai Bản tin Thời tiết nông vụ nhằm giúp nông dân các tỉnh hạn chế tối đa những thiệt hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

W-Ảnh màn hình 2024 08 12 lúc 17.15.20.png
Kỹ thuật viên đang kiểm tra mức độ xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL

Kết quả ban đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, bản tin đã được triển khai từ 1 tỉnh vào năm 2021, lên thành 7 tỉnh vào năm 2022 và được nhân rộng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2023. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của 54 huyện và 544 xã.

Thống kê đến tháng 12/2023 cho thấy, 34.906 nông dân đã tham gia các nhóm Zalo và được nhận bản tin. Khoảng hơn 200.000 người hưởng lợi trực tiếp thông qua nhóm Zalo và gián tiếp thông qua chia sẻ từ các thành viên nhóm Zalo với các nông dân khác.

Việc cung cấp thông tin thời tiết và khuyến cáo đi kèm không chỉ giúp người nông dân quyết định thời điểm và phương pháp canh tác, mà còn giúp họ giảm số lần phun thuốc trừ sâu/bệnh hại, giảm lượng phân bón sử dụng, và hạn chế thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra.

Một khảo sát độc lập của CIAT tại Tiền Giang cho thấy việc áp dụng bản tin góp phần làm tăng năng suất và doanh thu từ trồng lúa, với năng suất lúa tăng bình quân 266 kg/ha và doanh thu bình quân 1,83 triệu đồng/ha. Việc tiến hành số hóa đã góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất bản tin, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời chuẩn hóa chất lượng bản tin.

Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt và CIAT định hướng đẩy mạnh sự tương tác hai chiều với người dân trên các nền tảng số, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, và hướng tới mục tiêu phổ biến các khuyến nghị nông nghiệp giúp giảm phát thải, nâng cao dinh dưỡng và bảo tồn nông nghiệp đến các nông dân đã và đang hưởng lợi từ dự án.

Bên cạnh đó, một số thách thức chính hiện nay bao gồm thiếu thông tin dữ liệu đầu vào và đặc biệt là thiếu nguồn ngân sách, cơ chế chính sách và hướng dẫn về dịch vụ khí hậu nông nghiệp. Nếu giải quyết được những vấn đề này sẽ giúp triển khai xây dựng và phổ biến bản tin rộng rãi hơn nữa.