Dù tương lai của TPP có ảm đạm, định hướng của Việt Nam về hội nhập quốc tế và tham gia các thỏa thuận thương mại quốc tế là không thay đổi.
Trước tuyên bố của Quốc hội Mỹ sẽ không xem xét việc phê chuẩn TPP ít nhất cho đến tháng 01/2017, và những tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể thấy khả năng phê chuẩn TPP là rất thấp trong thời gian 1-2 năm tới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là TPP sẽ bị “khai tử”.
TPP không dễ “chết yểu”
Cần lưu ý rằng TPP vốn được Đảng Cộng hòa ủng hộ. Nền tảng phát triển của nước Mỹ hiện đại đều dựa trên thương mại tự do. Các công ty trụ cột của Mỹ đều là các công ty đa quốc gia..
Ở góc độ địa chính trị, nếu Mỹ muốn duy trì vị thế số 1 thế giới, kiềm chế các nước mới nổi như Trung Quốc và tiếp tục thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì không thể chỉ sử dụng trụ cột quân sự mà bỏ qua trụ cột kinh tế.
Vì thế, có thể khẳng định áp lực để phê chuẩn TPP sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng trong nội bộ Mỹ.
Về bản chất, Trump vốn không chống TPP như một hiệp định tổng thể, mà là phản đối việc TPP sẽ khiến các công ty Mỹ tăng cường đầu tư ra bên ngoài cũng như lấy đi nhiều cơ hội việc làm của chính người dân Mỹ. Có thể định hình ba kịch bản cho tương lai của TPP.
Kịch bản “mềm” là Trump sẽ yêu cầu đàm phán lại một số điều khoản của TPP để tạo sự khác biệt mang tính hình thức so với Obama rồi mới thúc đẩy phê chuẩn.
Một khả năng khác có thể xảy ra là TPP sẽ không chết hẳn mà sẽ bị bỏ ngỏ trong nhiệm kì đầu của Trump và có thể xem xét ký kết trong nhiệm kỳ 2 (nếu Trump tái đắc cử).
Kịch bản “cứng” là Mỹ sẽ không thúc đẩy TPP, Trump sẽ tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại song phương có lợi cho Mỹ để tạo động lực phát triển.
Những “ngã rẽ” cho thương mại khu vực
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có thể khiến TPP trở nên dang dở nhưng chắc chắn sẽ không thể đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu. Trên lý thuyết, các thỏa thuận về ưu đãi thương mại sẽ không cản trở tiến trình tự do hóa thương mại do nhu cầu tăng cường tiếp cận thị trường của các nước đang phát triển.
Về mặt kĩ thuật, mặc dù các quy định và cam kết trong TPP bao gồm các vấn đề phi thương mại và cải cách cơ cấu, một khi đi vào hoạt động, TPP vẫn có thể là nền tảng cho các nền kinh tế thành viên[1] khác thuộc APEC tham gia, qua đó góp phần hình thành nên một khu vực mậu dịch tự do Châu Á - Thái Bình Dương FTAAP nhằm góp phần tăng cường tiếp cận thị trường tự do trong khu vực[2]. Do đó, nhất thể hóa TPP và FTAAP là có thể. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một quá trình kéo dài và phức tạp.
Nền kinh tế Việt Nam luôn đứng trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng RCEP, vốn được khởi xướng bởi Trung Quốc, là một “TPP của Châu Á” dành cho những nền kinh tế không thuộc TPP (trong đó có Trung Quốc) cạnh tranh với TPP. Trên thực tế, nếu RCEP trở thành hiện thực, TPP và RCEP vẫn có thể cùng tồn tại song song, và cũng có thể phát triển thành FTAAP theo lộ trình tương tự như TPP.
Mặc dù tương lai của TPP ảm đạm, những bước đi để chuẩn bị TPP hiện nay là không thừa. Vì quá trình này giúp Việt Nam cải thiện nhận thức, năng lực cạnh tranh, mô hình phát triển của doanh nghiệp và cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững và nâng cao giá trị, là bài học để chuẩn bị tốt hơn cho các hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao khác.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Chúng ta còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế"[3].
Đúng vậy, thực tế chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đã được đàm phán xong và có thể coi là một nỗ lực thành công trong việc thúc đẩy hội nhập toàn diện của Việt Nam trong thời kì mới. Đối với Việt Nam, EVFTA là hiệp định tiêu chuẩn cao và không thua kém về quy mô so với TPP.
Bên cạnh đó, hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) cũng là một trong những nỗ lực góp phần mang lại nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại ở khu vực hơn cho Việt Nam.
Đồng thời, hoàn toàn có khả năng TPP sẽ được xem xét trở lại sau vài năm. Việt Nam cũng có thể đưa ra quyết định sẽ vẫn theo đuổi thực hiện TPP như Nhật Bản, Peru, Singapore, New Zealand đã cam kết. Với tư cách là một trong các thành viên sáng lập, việc tiếp tục thực hiện TPP cho phép Việt Nam có tiếng nói hơn, kinh nghiệm hơn trong việc định hình các cơ chế tự do thương mại toàn cầu trong tương lai, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, dám theo đuổi tầm nhìn toàn cầu tới cùng.
Trong khi chưa có tiến triển rõ ràng nào trong các nỗ lực tự do hóa thương mại đa phương toàn cầu từ WTO, hướng đi tốt nhất cho Việt Nam là tiếp tục tự cải cách về kinh tế, thương mại, đầu tư, và mở cửa thị trường. Việc WEF mới đây công bố Báo cáo, đánh giá ASEAN, trong đó có Việt Nam, là thị trường mở hơn cả Mỹ và EU là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực cải cách kinh tế, mở cửa ở khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng[4].
Do đó, Chính phủ cần có những chính sách hợp lý để giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn trước những biến động quốc tế, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực hội nhập để phát triển và hội nhập dựa trên nội lực, chuẩn bị tốt nhất khi tham gia vào TPP hay các hiệp định thương mại khác của thế kỷ 21.
Lý Tuấn Minh
(cùng nhóm nghiên cứu thuộc Sáng kiến Việt Nam)
------
[1]Caroline Freund, Emanuel Ornelas, sách xuất bản tháng 5, 2010
[2] Jeffrey J. Schott, Barbara Kotschwar, và Julia Muir. Understanding the Trans-Pacific Partnership. Washington, DC: Peterson Institute for International Economics, 2012.
[3] Tham gia TPP hay không, Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng với thế giới, VOV.vn, 17/11/2016.
[4] WEF: Việt Nam thăng hạng về môi trường thương mại toàn cầu, Vietnam Plus, 02/12/2016.