Theo Sky News, Nga đã kiếm được 93 tỷ Euro sau hơn 100 ngày cuộc xung đột với Ukraine nổ ra. Đây là một khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc bởi khối lượng xuất khẩu dầu và khí đốt của Moscow đã giảm đáng kể vào tháng Năm, sau khi các lệnh cấm vận được EU và nhiều quốc gia khác thông qua.

Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho biết, bất chấp các động thái hạn chế và khối lượng xuất khẩu giảm mạnh trong tháng Năm, Moscow vẫn kiếm được 93 tỷ Euro chỉ sau hơn 100 ngày. Ngoài ra, dù đã có nhiều biện pháp nhằm giảm phụ thuộc, EU vẫn là đối tác chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, ước tính trị giá 57 tỷ Euro.

Kể từ tháng Hai, EU và các nước vùng Baltic đã giảm 20% sản lượng nhập khẩu từ Nga, tổng khối lượng nhập khẩu trên toàn cầu giảm 15%. Những biện pháp cấm vận cũng ép cho giá dầu của Nga bán ra cũng thấp hơn 30%, nhưng khoản tiền khổng lồ mà Nga thu được dường như đang khiến cho các nỗ lực trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế trở nên vô hiệu.

Nga đã thu được 93 tỷ Euro kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Ảnh: Sky News

"Hiệu quả của các biện pháp cấm vận là quá thấp, cần phải có các kế hoạch rõ ràng hơn để cắt đứt dòng tiền chảy vào Nga. Về cơ bản, toàn thế giới cần đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để thay thế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và giảm giá mặt hàng này", Nhà phân tích của CREA - Lauri Myllyvirta cho biết.

Cũng trong báo cáo của CREA, Mỹ và Ba Lan là 2 quốc gia gây ra thiệt hại kinh tế lớn nhất đối với Nga, khi việc giảm sản lượng nhập khẩu dầu khí và nhiên liệu hóa thạch từ 2 nước này khiến Nga mất lần lượt 30 và 20 triệu Euro mỗi ngày. Tuy nhiên con số này dễ dàng được bù đắp bởi Ấn Độ, Trung Quốc, UAE và Ả Rập Xê Út đều tăng sản lượng nhập khẩu từ Nga. Trong số đó, Ấn Độ là bạn hàng thu mua 18% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.

Với khoản thu này, Moscow có thể tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ của mình, bởi doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chiếm 40% ngân sách của Nga. Bộ trưởng Tài chính Nga mới đây cũng cho biết, do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao nên thu nhập của nước này từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng đáng kể, ngay cả khi tổng sản lượng xuất khẩu giảm sút. Đặc biệt, phần lớn khoản doanh thu này sẽ được dùng để tài trợ cho "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.

Việt Dũng