Kính thưa chủ tọa phiên họp!

Về cơ bản, tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại trang 3 và trang 4 báo cáo thẩm tra có nêu “còn một số chính sách chưa được đánh giá tác động hoặc đánh giá chưa đầy đủ”, “đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện rõ khoản 1 Điều 4 dự thảo về nội dung “nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn””. 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Điện Biên Lò Thị Luyến

Trong bài phát biểu này tôi xin nêu thực trạng về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi và nó liên quan rất chặt chẽ đến 02 nội dung như đã nêu ở trên. Cụ thể là chính sách “Dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị” được quy định tại Điều 73 dự thảo luật, đây cũng là 1 trong 7 chính sách mà cơ quan soạn thảo sẽ phải bổ sung báo cáo đánh giá tác động như báo cáo thẩm tra đã đề cập. Theo tôi Điều 73 dự thảo luật cần quy định cụ thể việc điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và kinh phí điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi cần được đảm bảo chi từ quỹ bảo hiểm y tế, nhằm sớm khắc phục thực trạng vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay. 

Kính thưa Quốc hội!

Trong nhiều thập niên qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã có nhiều Chỉ thị Nghị quyết của Đảng được ban hành, được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật và được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Tổng kết chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền (khu vực thành thị: 12,4%; Nông thôn: 14,9%, miền núi: 38%), ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng vẫn là con số cao nhất. 

Suy dinh dưỡng là 1 bệnh được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (ICD-10 và ICD-11), trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng thường sẽ suy yếu hệ miễn dịch, gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ và các vấn đề về sức khỏe khác; trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính khi bị mắc phải các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ không bị suy dinh dưỡng. Tính tổng cả 10 năm (từ 2010-2020) chúng ta chỉ giảm được 9,7% (từ con số này chúng ta thấy rằng trong 1 năm để giảm tỷ lệ 1% số trẻ suy dinh dưỡng là một vấn đề rất khó khăn, nan giải. Vậy để giảm được tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng với số liệu năm 2020 là 19,6% chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm? Trong khi số trẻ vẫn được sinh ra hàng năm, số lũy kế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn sẽ còn phát sinh thêm mà việc can thiệp thì cần phải sớm, càng sớm càng tốt cho sự phát triển của trẻ).

 Suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được, nhiều thập niên qua chúng ta đã tập trung truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng để nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng hợp lý nhưng chúng ta chưa có chính sách và nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương cho việc can thiệp, quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em và hậu quả có đến 90% trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị.

Để can thiệp và điều trị kịp thời vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, cần có khung pháp lý và cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị, bệnh này cần được điều trị như các bệnh khác và có cơ chế chi trả điều trị từ quỹ bảo hiểm y tế vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, được kê đơn theo hướng dẫn y tế, đây là giải pháp đơn giản nhưng bền vững, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, góp phần thực hiện an sinh xã hội và đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay chúng ta đang có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng quỹ bảo hiểm y tế không có danh mục chi cho điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ vì sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt không phải là thuốc, nên không có trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tính toán đánh giá xem, nếu áp dụng việc chi trả để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc thì mỗi năm kinh phí chi trả sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi của quỹ bảo hiểm y tế? 

Tại Điều 73 dự thảo luật có quy định chính sách chung về “Dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị” Theo đó: đối với người bệnh ngoại trú thì được khám, sàng lọc, đánh giá và tư vấn về dinh dưỡng; đối với người bệnh điều trị nội trú được chỉ định sử dụng dinh dưỡng sớm và điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý. Theo tôi, cần quy định rõ tiết chế trong điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em cả điều trị nội trú và điều trị ngoại trú theo hướng được“khám, sàng lọc, đánh giá, tư vấn dinh dưỡng, chỉ định dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt” vì điều trị cho một trẻ suy dinh dưỡng phải mất thời gian tương đối dài…. 

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi cần được nghiên cứu và được quy định cụ thể trong dự thảo luật, đảm bảo có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho việc chi trả nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế để can thiệp và điều trị sớm cho trẻ em suy dinh dưỡng tại nước ta hiện nay và đây chính là sự cụ thể hóa một phần nội dung “nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và tại điều 4 dự thảo luật này cũng đã đề cập.