Lời tòa soạn: Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn, các ý kiến góp ý với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển.
Nguyễn Đình Cung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Tôi đọc Chương VIIA về hộ gia đình trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi với rất nhiều băn khoăn: liệu những quy định mới này có làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này?
Liệu các điều khoản chung ở Chương I và Chương II Luật Doanh nghiệp có áp dụng với hộ kinh doanh hay không? Nếu không áp dụng thì các nội dung của Chương VIIa về hộ kinh doanh giống như sinh vật “ký sinh” vào Luật Doanh nghiệp, mà không gắn với Luật Doanh nghiệp thành một thể thống nhất.
Cho đến nay hộ kinh doanh về bản chất được quy định là cá nhân kinh doanh ( là proprietorship), một hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới. Nay hộ kinh doanh quy định như dự thảo là khác nhiều so với trước, nó có phần như hợp danh giản đơn nhưng lại quá sơ sài để có thể coi nó là một hợp danh giản đơn. Nó thuộc vào loại hình nào trong khoa học và thực tiễn pháp luật thế giới cho đến nay?
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì? |
Có hàng loạt các khái niệm chưa rõ nội hàm trong dự thảo Chương VIIA. Ví dụ:
(i) Gia đình là khái niệm sử dụng trong xã hội học, chứ không phải là một khái niệm pháp lý; pháp lý chỉ có thể nhân và pháp nhân. Do đó, khái niện “thành viên gia đình” là không rõ ràng về mặt pháp lý; ai được coi là thành viên gia đình? Mỗi công dân thể nhân là chủ thể pháp lý độc lập, độc lập về tài sản, độc lập trong các giao dịch thương mại, dân sự; vì vậy, nếu giữa họ không có thỏa thuận, thì các “thành viên gia đình” không có nghĩa vụ chịu nợ hay các nghĩa vụ khác của thành viên khác trong gia đình. Quy định như dự thảo là không phù hợp với nguyên tắc pháp lý cơ bản.
(ii) Không rõ liệu một “gia đình” có thể đăng ký nhiều hơn 1 hộ kinh doanh; điều này không rõ lắm; và trong thực hiện rất có thể theo hướng một gia đình một hộ kinh doanh; đó chưa kể khái niệm gia đình là không rõ về pháp lý, nên có thể hai gia đình,hay nhiều hơn chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh.
(iii) Về người đăng ký là chủ hộ, không rõ ở đây, chủ hộ đồng nghĩa với chủ sở hữu hộ kinh doanh, các thành viên khác đã ủy quyền có là đồng sở hữu hộ kinh doanh? Ủy quyền đăng ký không đồng nghĩa với ủy quyền quản lý, không có nghĩa là các hết trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan;và không có bất cứ quyền và lợi ích gì trong quản lý hộ kinh doanh.
(iv) Những thứ không rõ ràng nói trên có nguy cơ tạo ra nhiều hệ lụy khó lường, nhất là mâu thuẫn quyền lợi nội bộ gia đình sẽ phát sinh từ những điều không rõ ràng nói trên?
Bây giờ tôi phân tích vào từng điểm cụ thể của Chương VIIA.
Điều 187c. Đăng ký hộ kinh doanh
1. Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
2. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
b) Danh sách các thành viên gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do các thành viên gia đình đăng ký.
c) Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ hộ kinh doanh và các thành viên gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Mục tiêu là giảm chi phí cho “hộ kinh doanh”, nhưng quy định về đăng ký hộ kinh doanh còn phức tạp hơn đăng ký doanh nghiệp tư nhân. Danh sách thành viên gia đình kèm theo sẽ có chữ ký, có địa chỉ, có số id và có thể cả giấy ủy quyền….
Và căn cứ vào cái gì để xác thực họ là thành viên cùng một “gia đình” cùng với chủ hộ.
3. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bao gồm các thông tin sau đây:
a) Họ và tên Chủ hộ hộ kinh doanh;
b) Tên và địa điểm đăng ký hộ kinh doanh;
c) Hoạt động kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp đã không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhưng đây lại yêu cầu ghi “hoạt động kinh doanh”. Khái niệm hoạt động kinh doanh cũng không phải là một phạm trù pháp lý; sẽ tạo ra sự tùy nghi trong thực thi, hành hạ người dân. Trong khi đó, các thông tin khác cần thiết lại không thấy.
Điều 187d. Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh
1. Chủ hộ kinh doanh, thành viên gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm cá nhân, liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Quy định này tương tự như general partnership. Tuy vậy, đối với hợp danh nó đã thành thông lệ, và nếu có gì khác, thì có thêm hợp đồng. Ở đây, thành viên gia đình về mặt pháp lý không có nghĩa vụ này. Quy định này trái với các quy định khác của pháp luật; và chỉ khi họ có một hợp động như thế mới có hiệu lực.
2. Chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh; đại diện cho hộ kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.
Các thành viên khác có nghĩa vụ, và lấy cả tài sản để thực hiện nghĩa vụ mà lại chẳng có quyền và lợi ích gì cả? Khi quyền và lợi ích của các thành viên khác bị vi phạm,thì bảo vệ họ như thế nào? Họ có được yêu cầu rút tên ra khỏi danh sách đang ký; và thủ tục làm thế nào?
Nếu chủ hộ cứ ăn tiêu phung phí rồi nói và ghi vào chi tiêu của hộ kinh doanh, dẫn đến bất công, thậm chí nợ nần,thua lỗ, thì các thành viên khác có thể làm gì? Có thay được chủ hộ không? .v.v…
Đối với bên thứ ba, nếu “hộ kinh doanh” mắc nợ, thì họ có thể đòi nợ từ bất kỳ ai trong danh sách đăng ký; và người bị đòi phải trả?
3. Chủ hộ kinh doanh là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến hộ kinh doanh.
4. Chủ hộ kinh doanh có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Quy định như trên thì các thành viên khác không có quyền gì cả?
Điều 187e. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;
b) Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
Trên thực tế vẫn chấp nhận và vẫn tồn tại cá nhân kinh doanh mà không đăng ký,nên quy định này là vô nghĩa về mặt pháp lý, nhưng lại tạo dư địa cho công chức địa phương sách nhiễu người kinh doanh
c) Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đăng ký;
Như vậy lại phát sinh chi phí; và trên thực tế không ai làm điều này cả. Phương án tốt nhất của họ là không đăng ký mà vẫn kinh doanh. Như thế, quy định về hộ kinh doanh trong luật doanh nghiệp là vô nghĩa
d) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;
đ) Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh đăng ký;
Những người không được thành lập hộ kinh doanh đã được quy định ở đâu? Áp dụng theo quy định về những người cấm thành lập doanh nghiệp? áp dung theo đó sẽ có phần không hợp lý.
e) Không báo cáo về tình hình kinh doanh của hộ kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đăng ký.
Đây là quy định mới làm phát sinh chi phí tuân thủ, và tăng thêm bất định bất an cho người kinh doanh. Câu hỏi là báo cáo nội dung gì? Để làm gì và quy định ở đâu?.v.v….nếu không thì cơ quan nhà nước sẽ tùy tiện,lạm dụng quyền lực, gây sách nhiễu,phiền hà để trục lợi cá nhân; hoặc gây cạnh tranh không lành mạnh,.v.v…
2. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh; tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chuyển đổi hộ kinh doanh .
Chuyển đổi hộ kinh doanh thanh cái cái gì? Có ngược lại, là chuyển doanh nghiệp thành hộ kinh doanh không?
Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh như thế nào? Thương quyền ra sao? Hộ kinh doanh sẽ mở địa điểm kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước; được đầu tư ra nước ngoài? Thuê mướn lao động? Và còn rất nhiều vấn đề khác.
Tóm lại
Hộ kinh doanh thiết kế như dự thảo tại chương VIIa tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ gia đình bố mẹ, anh em; tranh dành lợi ích của nhau; làm tăng thêm chi phí tuân thủ, bất định, bất ổn và rủi ro pháp lý cho kinh doanh;
Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ hộ kinh doanh, thương quyền và nhiều vấn đề quan trong khác không có quy định gì mới; và liệu có quy định mới được không và có hợp lý không khi chủ thể của nó là hộ kinh doanh lại không thiết kế được một cách rõ ràng, còn nhiều yếu tố thiếu chuẩn xác và bất định như trên trình bày.
Cá nhân tôi không hiểu mục đích đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì? Những điều nêu trên trong dự thảo về hộ kinh doanh đang đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp trong 20 năm qua.