Dưa lưới Mỹ rớt giá 50%
Nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Vườn dưa lưới Mỹ của nhà nông Cần Thơ rớt giá đến 50% vì thương lái không thể đến tận vườn thu mua.
Nếu thời điểm trước giãn cách xã hội, thương lái đến thu mua dưa lưới tại vườn với giá hơn 100.000 đồng/kg, giá bán lẻ là 75.000 đồng/kg, giá bán sỉ số lượng lớn là 65.000 đồng/kg. Không chỉ dưa lưới mà hàng loạt nông sản khác cũng đang lao đao, tìm đường tiêu thụ, báo Lao Động phản ánh.
Nhãn Hưng Yên mất mùa, giá rẻ hơn rau
TP. Hưng Yên vốn là thủ phủ của nhãn lồng "tiến vua", với hơn 1.000 ha. Năm nay, vụ thu hoạch nhãn ở Hưng Yên sắp kết thúc nhưng người trồng nhãn vẫn chưa hết ngậm ngùi vì vụ này nhãn bị mất mùa. Lượng quả tươi giảm từ 30-60%, có nơi mất hơn 80%, thậm chí mất trắng.
Nhãn Hưng Yên năm nay mất mùa. |
Không những mất mùa, nhãn lại rớt giá, khó tiêu thụ. Thông thường, nhãn ngon có giá từ 35.000-60.000 đồng/kg, nhãn đại trà từ 15.000-30.000 đồng/kg; nhãn làm long từ 10.000-12.000 đồng/kg. Đầu vụ năm nay, nhãn trà sớm vẫn giữ giá như vụ trước. Nhưng khi vào thời điểm chính vụ, giá nhãn tụt giảm từ 30-50% mà vẫn khó bán.
Cụ thể, nhãn ngon chỉ từ 20.000-35.000 đồng/kg; nhãn đại trà từ 12.000-18.000 đồng/kg; nhãn làm long từ 6.000-9.000 đồng/kg, thậm chí ở các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ có lúc chỉ 3.000-5.000 đồng/kg mà vẫn ế.
81.000 đồng một quả thanh long Việt Nam tại Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thanh long Việt Nam không những đáp ứng các điều kiện nhập khẩu về an toàn sinh học hàng đầu thế giới mà còn được người dân nước này đánh giá xếp loại 5 sao trên trang mua bán trực tuyến của hệ thống siêu thị lớn nhất Australia Woolworths. Kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Australia tăng trưởng gần 85% so với 6 tháng cùng kỳ.
Thanh long Việt Nam có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Australia. Thậm chí, mặt hàng thanh long còn được bán quanh năm tại xứ xở chuột túi với mức giá quy ra tiền Việt là 81.000 đồng/quả.
Nho sữa hàng Tàu giá rẻ chưa từng có
Nho sữa nổi tiếng thế giới vì ăn giòn ngọt, thơm mùi sữa. Song, để mua được những chùm nho sữa Hàn, nho sữa Nhật quả to như quả trứng gà, lại căng mọng, giòn ngọt và thơm mùi sữa thì giá lên tới tiền triệu, thậm chí vài triệu đồng cho mỗi 1kg.
Nho sữa Trung Quốc đang được bán la liệt trên "chợ mạng" (ảnh: NVCC) |
Gần đây, loại nho sữa xuất xứ Trung Quốc đang tràn về các chợ nước ta với mức giá rẻ chưa từng có. Nếu như thời điểm này năm ngoái, nho sữa Trung Quốc có giá từ 170.000-250.000 đồng/kg, tức rẻ chỉ bằng 1/5, thậm chí bằng 1/10 so với giá nho sữa Hàn hay nho sữa Nhật thì năm nay, vào những ngày cận kề Tết Trung thu, nho sữa Trung Quốc được rao bán la liệt trên “chợ mạng”.
Nhiều đầu mối rao bán loại nho này với giá rẻ chưa từng có, chỉ 90.000-120.000 đồng/kg tuỳ loại. Một thùng nho sữa Trung Quốc 5-5,5kg giá chỉ 390.000 đồng, tương đương chỉ 70.000-80.000 đồng/kg.
Giá cua biển miền Tây tăng vọt
Việc nhiều tỉnh, thành nới lỏng giãn cách xã hội tạo điều kiện cho tôm, cua ở miền Tây được tiêu thụ. Giá cua sau 2 tháng giảm mạnh giờ đã tăng vọt.
Cụ thể, theo Zing, trong thời gian tỉnh Bạc Liêu áp dụng Chỉ thị 16, giá cua gạch chỉ 220.000-240.000 đồng/kg và cua thịt 120.000-150.000 đồng/kg. Sau khi nới lỏng giãn cách, giá cua thịt tăng lên 150.000 đồng và hiện nay là 200.000 đồng/kg. Giá cua gạch hiện là 320.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá cua thịt loại 2 con/kg giá 300.000 đồng/kg và cua gạch loại nhất là 350.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với một tuần trước. Giá tôm thịt loại 1 từ 250.000 đồng tăng lên 280.000 đồng/kg; cua gạch tăng từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 30 con giá 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn lao dốc, người nuôi lỗ nặng
Dù nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, hàng quán bắt đầu được bán mang về, nhưng giá lợn vẫn tiếp đà giảm. Ghi nhận tại một số tỉnh miền Bắc vào ngày 23/9, giá lợn hơi xuất chuồng còn từ 47.000-49.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung và miền Nam có mức giá từ 48.000-52.000 đồng/kg.
Nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đang chịu lỗ tiền tỷ (ảnh: TL) |
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh, thành ra những người chăn nuôi lợn đang chịu cảnh thua lỗ nặng. Những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ phải đi mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi thì dịp này sẽ chịu mức lỗ dao động khoảng 2,2-2,4 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng. Nuôi càng nhiều, lỗ càng nặng.
Cá lồng, tôm, ốc hương rớt giá thê thảm
Người nuôi cá lồng ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đang “dở khóc, dở cười” khi hàng trăm tấn cá hồng mỹ, cá vược đã đến vụ thu hoạch song thị trường tiêu thụ “đóng băng”, thương lái không tới mua. Còn người dân tại Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ thua lỗ khi tôm thẻ, ốc hương, ngao rớt giá thảm, khó tiêu thụ.
Trong khi đó, tại xứ Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), nơi được xem là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của tỉnh Hà Tĩnh, người nuôi ốc hương khu vực này cũng đứng ngồi không yên vì ốc đã qua vụ thu hoạch một tháng nhưng không thấy thương lái đến mua, thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc lại đóng băng nên giá ốc lao dốc, giảm một nửa so với năm ngoái. Những năm trước, giá ốc đổ sỉ là 200.000 đồng, bán lẻ là 270.000 đến 280.000 đồng thì nay còn khoảng 130.000-140.000 đồng.
Loạn giá các bộ xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM
Để được tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp lớn nhỏ tại TP.HCM phải tự tìm mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 để xét nghiệm cho nhân viên theo thời gian quy định.
Nhu cầu tìm mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 tại TP.HCM tăng mạnh khiến thị trường buôn bán mặt hàng này đang trở nên sôi động. Theo Zing, các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 được rao bán trên mạng với những mức giá khác nhau, mỗi nơi mỗi khác, dao động từ 70.000-200.000 đồng/bộ. Trong khi đó, một số hiệu thuốc ở TP.HCM bán kit test với mức giá cao hơn nhiều so với giá bán trên mạng. Cũng có sự chênh lệch giữa các hiệu thuốc.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
'Ma trận' nấm hỗ trợ sức khỏe trên thị trường
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại nấm hỗ trợ sức khỏe có nguồn gốc và chất lượng khác nhau khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.