Đó là chủ đề gây tranh cãi nhất trong cuộc tọa đàm về Phác thảo vẽ tranh nàng Kiều do Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ (CTCS) và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tổ chức vào ngày 21/6 vừa qua.


Theo ý tưởng được đưa ra, bộ lịch nghệ thuật Kiều gồm 24 bức tranh vẽ mang kích thước 1,2 x 0,5 m, in kèm theo đó là một số câu thơ tiêu biểu nhất được trích từ tác phẩm lớn này. Sau khi lịch nghệ thuật Kiều ra đời, những người thực hiện sẽ xuất bản tiếp một phiên  bản Truyện Kiều với chất lượng cao nhất về giấy và công nghệ in, kèm theo đó là những bức tranh minh họa. Sau khi lấy ý kiến và xây dựng đề cương chi tiết về nội dung và phong cách từng bức tranh, một số họa sĩ có uy tín sẽ được CTCS và Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam đặt hàng để cùng thực hiện tác phẩm này.

Cảnh Thúy Kiều đi tảo mộ được vẽ bởi HS Nguyễn Tư Nghiêm năm 1965

1. Theo đề cương được ông Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc CTCS) xây dựng, hình ảnh nàng Kiều  qua thể hiện của hàng loạt gương mặt gạo cội của nền mỹ thuật Việt Nam như Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phan Chánh, Lê Lam  đã xuất hiện trên nhiều báo và tạp chí từ giữa thế kỷ 20... Tuy nhiên, cũng từ bản chất là một đề tài được khai thác rộng, những “nàng Kiều” của các họa sĩ này luôn có sự khác biệt về nội dung thể hiện và  phong cách tạo hình. Đơn cử, riêng ở phần trang phục, có họa sĩ vẽ nàng Kiều mặc áo dài tứ thân, có người vẽ áo dài mớ ba mớ bảy, có người lại vẽ áo lụa Trung Quốc hoặc thậm chí là áo ngắn tân thời...

Trước khá nhiều chuyên gia của giới mỹ thuật, ông Nguyễn Hoàng Điệp đặt ra câu hỏi: Có nên vẽ nàng Kiều với tranh phục của Trung Quốc, theo đúng với câu đề từ của Truyện Kiều: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”? Thực tế, ai cũng biết: dù được sáng tác bởi một đại thi hào của dân tộc Việt và trở thành “quốc hồn quốc túy” của dân tộc Việt, hệ thống nhân vật và nội dung của Truyện Kiều vẫn được Nguyễn Du đặt trong bối cảnh triều Minh (Trung Quốc) theo đúng như nguyên tác của Thanh Tâm tài nhân.

Ngoài ra, những địa danh như sông Tiền Đường, xứ Việt Đông... trong truyện đều thuộc về đất Trung Quốc cả. Bởi thế, chúng tôi muốn bộ tranh trung thành với bối cảnh lịch sử của câu chuyện. Xin nhớ, đây chỉ là vấn đề trang phục thuần túy” ông Điệp nói.

2. Cách đặt vấn đề của ông Điệp đã gặp những phản ứng khá gay gắt từ một số họa sĩ trong buổi tọa đàm. Điển hình, họa sĩ Phạm Công Thành cho biết: “Đọc Truyện Kiều, chúng ta đều quên đi xuất xứ mà chỉ nhớ tới gia trị văn chương đậm chất Việt Nam của tác phẩm này. Bởi vậy, cách lựa chọn trang phục theo phong cách Trung Quốc là quá máy móc, thậm chí là thiếu tôn trọng cụ Nguyễn Du cũng như ngôn ngữ Việt Nam”.

“Đành rằng câu chuyện lấy bối cảnh Trung Quốc.  Nhưng Shakespears viết Hamlet có “gốc” Đan Mạch, viết Romeo và Juliet có “gốc” Italia nhưng người ta vẫn dựng theo trang phục của nước Anh quê ông đấy thôi” - ông Thành nói.

Tương tự ông Thành, các họa sĩ Trương Thảo, Mai Long, Lê Lam... cũng lên tiếng ủng hộ xu hướng mặc “đồ Việt” của nàng Kiều.

Họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN) nói: “Chúng ta cần phân biệt giữa việc sáng tác và minh họa cho câu chuyện. Theo ý tưởng đưa ra, bộ lịch nghệ thuật Kiều hướng tới đối tượng là khách nước ngoài hoặc Việt kiều. Tôi nghĩ, họ không quá quan tâm tới xuất xứ, mà thích tìm kiếm những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, của hồn dân tộc từ tác phẩm. Vì vậy anh Điệp cần cân nhắc kỹ”.

Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, bộ lịch nghệ thuật này được coi là một công trình văn hóa quan trọng nên sẽ tiến hành chu đáo với việc tiếp tục tham khảo tư vấn từ giới chuyên môn, thậm chí là mở một trang web riêng để trưng cầu ý kiến. “Chúng tôi sẵn sàng dành một thời gian dài để nghiên cứu và bàn thảo chu đáo về công trình này, chứ không có chuyện cố gắng làm gấp bằng mọi giá để kịp phát hành trong năm 2013 tới đây” - bà Luyến nói.

Theo TTVH