Là một trong các quốc gia châu Âu sốt sắng với các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm cứu vãn tình thế ở Ukraina, giới chức lãnh đạo Đức có quan điểm rất khác so với Mỹ về diễn biến tại điểm nóng này.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Sau khi lệnh ngừng bắn đạt được tại Minsk, thông tin tình báo Đức ghi nhận khu vực đông Ukraina có sự yên ắng hơn, giao tranh hầu như chấm dứt và vũ khí hạng nặng được rút dần ra. Berlin cho rằng dù lệnh ngừng bắn không hoàn toàn trọn vẹn, nhưng vẫn được thực thi.
Tướng Philip Breedlove |
Nhưng cùng lúc đó, tờ tạp chí Tấm Gương của Đức cho biết, Tướng Philip Breedlove, chỉ huy NATO tại châu Âu phát biểu trước báo giới Washington về một diễn biến khác hẳn.
Theo đó, ông Breedlove nói rằng ‘trên một ngàn xe tăng chiến đấu, các lực lượng chiến đấu của Nga, cùng với hệ thống phòng không tối tân nhất, các pháo phòng không’ đang được gửi tới Donbass. Ông Breedlove nói thêm: "điều rõ ràng là tình hình lúc này không khả quan hơn chút nào. Mỗi ngày lại một tệ hơn".
Phát biểu đó khiến các lãnh đạo ở Berlin sửng sốt. Họ không hiểu ông Breedlove nói về chuyện gì. Và đây không phải là lần đầu tiên.
Với các thông tin tình báo do Cơ quan Tình báo Đức (BND), tình báo đối ngoại Đức thu thập thì lại thêm một lần nữa giới chức lãnh đạo Đức không chung quan điểm với Bộ Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu (SACEUR).
Phía Đức cho rằng, ông Breedlove luôn có con số thống kê binh sĩ và vũ khí của Nga tại đông Ukraina cao hơn hẳn so với của Berlin. Các nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Đức coi các bình luận của ông Breedlove là sự ‘tuyên truyền nguy hiểm’.
Đức coi ông Breedlove cùng với bà Victoria Nuland, Trưởng bộ phận châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, là những gương mặt ‘siêu diều hâu’ trong cuộc xung đột tại Ukraina. Đây là những người nỗ lực theo đuổi chủ trương chuyển vũ khí sang chiến trường Ukraina.
Thực tế, các chuyên gia về Nga của Đức cũng như giới tình báo nước này không nghi ngờ việc Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai đông Ukraina. BND nói, họ có chứng cứ cho việc đó.
Tuy nhiên giọng điệu của ông Breedlove lại khiến Berlin khó chịu. Trước tiên là về các con số sai lệch theo hướng thổi phồng tình hình. Trong một cuộc họp mới đây về Ukraina, Berlin đề cập tới việc này và lo ngại rằng NATO – và có thể rộng hơn là phương Tây – sẽ có thể mất uy tín.
Berlin đưa ra một ví dụ cụ thể. Khoảng hơn ba tuần trước, trong khi cuộc ‘chạy đua marathon chính trị’ tại Minsk đang diễn ra giữa lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Ukraina, quân đội Kiev lên tiếng cho rằng Moscow đang đưa 50 xe tăng và hàng chục hỏa tiễn qua biên giới sang Lugansk. Một ngày trước đó, Trung tướng Mỹ Ben Hodges gióng hồi chuông về việc ‘Nga can thiệp quân sự trực tiếp’.
Ngay lập tức, các quan chức ở Berlin yêu cầu BND đánh giá tình hình, nhưng hình ảnh vệ tinh chỉ cho thấy có vài thiết bị bọc thép lẻ tẻ. Một nhân viên tình báo Mỹ tham gia cùng với BND nói rằng, việc Tướng Hodges đưa ra các kết luận trên ‘cho tới hôm nay vẫn là điều khó hiểu’.
Thêm một ví dụ khác, ngay khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina bắt đầu, Tướng Breedlove thông báo rằng, Nga cho 40.000 quân đóng ở dọc biên giới Ukraina và cảnh báo cuộc xâm lược có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông nói tình hình ‘rất đáng lo ngại’. Nhưng tình báo của các quốc gia thành viên NATO lại loại trừ khả năng Nga xâm lược Ukraina. Họ tin rằng thành phần cũng như trang thiết bị của số binh sĩ này khó tiến hành một cuộc xâm lược vào lúc đó.
Thứ nhất, các chuyên gia cho rằng tế không phải là 40.000 binh sĩ Nga, thậm chí con số còn chưa tới 20.000 người. Hơn nữa, hầu hết các trang thiết bị không được đưa tới biên giới để đổ bộ ngay lập tức, mà số vũ khí đó được đưa tới đây từ trước cả khi xung đột nổ ra. Bên cạnh đó, không có bằng chứng nào cho thấy có sự chuẩn bị hậu cần cho một cuộc chiến tranh, chẳng hạn như việc dựng các đầu não quân sự.
Và trong lúc Đức và Pháp tìm mọi cách đạt được hòa bình bằng biện pháp ngoại giao, bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng quyết định cho ngoại giao một cơ hội, thì báo Đức cho rằng những nhà hoạt động chính sách như ông Breedlove hay bà Noland đang làm mọi việc để mở đường cho việc chuyển vũ khí cho Kiev.
Thậm chí, Berlin còn đang ngờ vực rằng đang có những nỗ lực đi ngược lại châu Âu trong vấn đề Ukraina.
Ông Breedlove bảo lưu quan điểm rằng không thể tránh được việc viện trợ quân sự cho Ukraina - bằng không thì bất kỳ sự trừng phạt hay sức ép ngoại giao đều không có tác dụng. “Nếu chúng ta có thể gia tăng thiệt hại cho Nga trên chiến trường thì các công cụ khác sẽ hiệu quả hơn”, ông Breedlove nói.
Phía Berlin luôn cho rằng, Nga đóng một vai trò trong các nỗ lực hòa bình. Vấn đề đặt ra là liệu ngoại giao có thể thành công mà không cần dọa dẫm về hành động quân sự hay không. Thêm nữa, các đối tác xuyên Đại Tây Dương có những mục tiêu không giống nhau.
Dù mục đích sáng kiến của Đức- Pháp là ổn định tình hình ở Ukraina, thì Nga lại lo ngại những nhân vật diều hâu trong chính quyền Mỹ. Họ muốn đẩy lui ảnh hưởng của Moscow trong khu vực và lung lay quyền lực của Tổng thống Putin. Ước mơ của họ là một cuộc cách mạng sắc màu tại Moscow.
Lê Thu