Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong cuộc tranh luận về ngân sách tại Hạ viện Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng một trong những mối nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều quốc gia ở châu Âu sẽ có các chính sách riêng đối với Trung Quốc, dẫn đến sự tiếp cận không đồng nhất.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn tới nhiều nước khác ở châu Âu. Do đó, Đức và Pháp trước tiên cần phải nỗ lực để đạt được sự nhất trí về một cách tiếp cận chung, để từ đó có thể đưa ra một giải pháp chung cho toàn châu Âu.
Biểu tượng 5G tại Hanover, Đức. Ảnh: THX/TTXVN |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các tiêu chuẩn bảo mật cao trong việc phát triển và mở rộng mạng di động 5G. Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, các nước châu Âu cần cùng thảo luận kỹ càng.
Trước đó, một số nghị sĩ Đức muốn loại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi các hợp đồng phát triển mạng 5G sau khi Mỹ cảnh báo các thiết bị viễn thông của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này có thể bị sử dụng cho mục đích gián điệp. Trong khi đó, nhiều đơn vị khai thác viễn thông ở Đức có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và là đối tác của Huawei cho rằng việc cấm này sẽ khiến kế hoạch ra mắt mạng viễn thông 5G bị trì hoãn.
Hồi đầu tháng 11, Huawei đã ra thông cáo báo chí khẳng định những đóng góp quan trọng của công ty này vào nền kinh tế châu Âu. Về dài hạn, Huawei sẽ mở rộng hoạt động tại châu lục này, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trữ đám mây.
Theo TTXVN
Mỹ gia hạn nhưng chưa dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei
Bộ Thương mại Mỹ vừa tiếp tục gia hạn giấy phép tạm thời để các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán linh kiện và công nghệ cho hãng công nghệ Trung Quốc Huawei. Đây đã là lần thứ 2 cơ quan này gia hạn cho Huawei.