Chính phủ Đức cho biết đã phủ quyết vụ thâu tóm nhà máy chip Elomos của Silex, một doanh nghiệp Thụy Điển là công ty con của tập đoàn Sai Microelectronics của Trung Quốc. Tháng 12/2021, Silex thông báo ký thỏa thuận với Elmos để mua lại nhà máy với giá 85 triệu EUR.
Theo nguồn tin của Reuters, Berlin cũng chặn đầu tư vào ERS Electronics. Phát ngôn viên ERS Electronics khẳng định không có kế hoạch bán công ty, nhưng có xem xét nhận đầu tư từ một hãng tư nhân của Trung Quốc.
Sai Microelectronics bày tỏ “vô cùng tiếc nuối” trước quyết định và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các hành động tiếp theo.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chia sẻ, “Chúng tôi phải xem xét chặt chẽ những thương vụ thâu tóm khi liên quan đến các hạ tầng quan trọng hay khi có nguy cơ công nghệ chuyển sang bên mua đến từ các nước không nằm trong EU”. Đặc biệt, trong lĩnh vực bán dẫn, Đức phải bảo vệ chủ quyền công nghệ và kinh tế của Đức và EU. “Tất nhiên, Đức luôn và sẽ luôn là môi trường đầu tư cởi mở, nhưng chúng tôi không hề ngây thơ”.
Trả lời phóng viên, ông Habeck nhận xét Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận có chiến lược để gây ảnh hưởng lên cả khám phá tri thức và kiểm soát sản xuất, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất vi chip.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết Bắc Kinh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đôi bên có lợi vào các công ty nước ngoài. Theo ông, tất cả các nước, bao gồm Đức, nên cung cấp môi thị trường công bằng, cởi mở, không phân biệt cho doanh nghiệp Trung Quốc và kiềm chế chính trị hóa hoạt động hợp tác thương mại, kinh tế thông thường.
Cách đây một tháng, Mỹ giới thiệu biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip nghiêm ngặt sang Trung Quốc. Động thái nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Theo đó, chính quyền ông Joe Biden cấm doanh nghiệp Trung Quốc mua thiết bị sản xuất chip và chip tiên tiến nếu không có giấy phép.
Quy định được xem là đòn giáng mạnh vào tham vọng trở thành siêu cường công nghệ của Bắc Kinh do không chỉ cấm xuất khẩu chip mà còn cả công cụ làm ra nó.
Du Lam (Theo Nikkei)