"Việt Nam vẫn ở trong tình trạng có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra để công nhận kết quả của các cơ sở giáo dục, tôi nghĩ là không đúng. Tôi nghĩ là đã đến lúc nên xác định phạm vi quản lý nhà nước nên xác định dừng ở đâu" - Ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm.
LTS: Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế, các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ôngLê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vàông Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn InvestConsult Group.
Tiếp theo phần 1 và phần 2 chúng tôi xin giới thiệu phần 3 cuộc tọa đàm.
Nhân dân phải biết rõ Đảng muốn gì
Nhà báo Hoàng Hường: Như ở các phần trước chúng ta đã trao đổi, xin mời các vị khách tiếp tục đề xuất các việc cần làm ngay cho năm 2014?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Cũng giống với việc chúng ta phổ biến chủ trương và chính sách của Đảng và phổ biến những giá trị phổ quát của nhân loại là hai mục tiêu hết sức quan trọng của hệ thống truyền thông.
Có thế thì trí tuệ của nhân dân mới cân bằng. Nhân dân biết rõ Đảng đang nghĩ gì, muốn gì và có thể làm gì, để không đưa ra các đề nghị vượt quá khả năng của Đảng và Nhà nước bởi nhiều khi người dân không biết chỗ nào là giới hạn khả năng quản lý của Nhà nước. Cả ý muốn của Đảng cũng là một đối tượng nhân dân cần phải được tham khảo, phổ biến nó phải phổ biến rành mạch, nghiêm túc, đúng đắn.
Hiện nay hệ thống truyền thông chính thống đã nhường chỗ cho một hệ thống truyền thông khác không chính thống phổ biến và thậm chí chế giễu chủ trương và chính sách của Đảng, đấy là một lỗi khổng lồ.
Hệ thống truyền thông chính thống cần phải phổ biến những phổ quát. Ví dụ, quyền con người là một là phổ quát, bảo vệ bí mật cá nhân là một phổ quát, chính là làm cho trí tuệ của nhân dân nảy nở, mới có thể phán xét hay hưởng ứng một cách có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng.
Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh Lê Anh Dũng |
Ông Lê Quang Bình: Tôi rất đồng ý với ông Nguyễn Trần Bạt ở chỗ truyền thông của chúng ta phải rất cân bằng và thực tế. Nếu không truyền thông chính thống sẽ bị đe dọa bởi truyền thông phi chính thống ở trên mạng, khi Internet trở thành phổ biến thì càng ngày càng có thêm quyền lực.
Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh là những chủ trương, chính sách làm thế nào để cho hấp dẫn với người dân, ngoài nội dung thì cách thức để phát triển những chính sách rất quan trọng.
Ông Lê Quang Bình. Ảnh Lê Anh Dũng |
Tôi thấy rằng Việt Nam ngày càng muốn đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách, nhưng dường như nó vẫn đang còn thiếu một cái gì đó cho những chương trình rất cụ thể. Ví dụ mình hay nói là vì kỹ thuật quá nên nếu có tham vấn thì người dân cũng không biết như chương trình liên quan đến thuỷ điện.
Những hành động để minh bạch hóa những chương trình chính sách sẽ làm cho người dân tin vào những chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước hơn rất nhiều. Khi người ta có thông tin đúng, thông tin đầy đủ thì khi tiếp nhận những luồng thông tin khác, có thể trái chiều và khác biệt người ta vẫn vững tin về những thông tin mình biết.
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Đây là một câu hỏi rất lớn. Hiến pháp cũng như các luật nói chung, trong đó có Luật đất đai chỉ đưa ra những nguyên tắc chung là chính. Còn để đi được vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa ra ở các văn bản luật và dưới luật.
Ví dụ như vấn đề quyền con người phải được thể chế hóa theo rất nhiều luật, trong cả hệ thống pháp luật. Quyền con người phải thể hiện ở trong những quy định cụ thể, chứ ở trong Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc chung.
Trong thời gian sắp tới việc quan trọng là Quốc hội phải giám sát các cơ quan chức năng triển khai xây dựng và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với các chế định mới trong Hiến pháp. Chừng nào hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đầy đủ thì Hiến pháp mới thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.
Xin nói một chút về công việc về hội và tổ chức phi chính phủ. Thực ra vai trò của các tổ chức phi chính phủ không thể phủ nhận, đóng một vai trò hết sức quan trọng, giúp cho công tác quản lý nhà nước rất tốt.
Ở nước mình vai trò của hội chưa đạt được do nhiều nguyên nhân. Còn việc xây dựng luật về hội như anh Bình kiến nghị thực tế đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH đến mấy khóa rồi, nhưng cuối cùng cứ làm một hồi rồi lại không thông qua được. Tôi cũng chia sẻ là xây dựng luật về hội là cực kỳ khó.
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh Lê Anh Dũng |
"Vừa yêu nhau vừa cảnh giác"
Nhà báo Hoàng Hường: Độc giả Nguyễn Lan Anh vừa gửi đến Tuần Việt Nam câu hỏi: những ngày cuối năm này, chúng ta náo nức về kết quả PISA. Nhưng trong năm hàng nghìn học sinh - sinh viên chen nhau đi ăn mấy miếng sushi, và rất nhiều người dân tham gia hôi bia trong một vụ tai nạn làm cho hình ảnh người dân Việt Nam rất xấu xí.
Câu hỏi là học sinh chúng ta giỏi để làm gì ở mấy cuộc thi nào đấy, nhưng về những vấn đề dân trí, văn minh cơ bản lại có vấn để? Chuyện gì đang xảy ra ở đây?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta chớ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để bất kể vấn đề gì, nhưng phải giải quyết vấn đề về sự chênh lệch giữa học và làm, giữa học để thi thật giỏi với việc trở thành một người công dân có thể sống và tồn tại được. Tôi nghĩ đấy là một trong những vấn đề căn bản nhất của khái niệm gọi là cải cách giáo dục.
Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo, các cơ quan chuyên trách về mặt giáo dục cần phải chuẩn bị để đối phó đối với những mâu thuẫn xảy ra giữa một số tiêu chuẩn của thể chế chính trị với cải cách giáo dục trong quá trình triển khai nghị quyết trung ương VIII.
Tôi lấy ví dụ chương trình của chúng ta về chính trị quá nặng, quan niệm về thế giới cũng vẫn còn bảo thủ, tư duy thù địch vẫn tồn tại.
Nhiệm vụ của con người là yêu nhau, còn nhiệm vụ của người Việt Nam là vừa yêu nhau vừa cảnh giác. Khi chúng ta cảnh giác thì chúng ta giảm bớt nồng độ của tình yêu, và do đó tình yêu ít hiệu quả. Phân tích cảnh giác và tình yêu cái gì đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế và phát triển con người Việt Nam nhiều hơn là nhiệm vụ của phân tích chính trị.
Tôi không khẳng định cái gì đúng mà tôi đề nghị phân tích lợi ích mà con người có được trong quá trình cân đối giữa tình yêu và sự cảnh giác.
Nhà báo Hoàng Hường: Ông Cương nghĩ thế nào về sự cân đối giữa "tình yêu và sự cảnh giác"mà ông Nguyễn Trần Bạt đưa ra?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ ông Nguyễn Trần Bạt đã đưa ra một cách so sánh khá hài hước. Liên quan đến vấn đề giáo dục thì tôi nhìn ở một góc độ hơi khác, nhất là câu hỏi của độc giả nói về chuyện tại sao chỉ số PISA của Việt Nam thì rất cao mà trong thực tế VN đã đạt được rất nhiều thành tựu nhưng trong xã hội thì vẫn xảy ra những hiện tượng hôi của hay như việc khác nữa làm cho hình ảnh xã hội trở nên rất xấu xí.
Hai cái đó rất khác nhau, bởi vì trong một đất nước có số lượng dân số lớn như Việt Nam, trong số 90 triệu dân thì số đạt được thành tựu cao trong khoa học và giáo dục vẫn là số ít.
Lý giải cho việc hôi của hay những sự kiện mang tính số đông, thể hiện văn hóa không cao có lẽ do giáo dục đỉnh cao mới chỉ tập trung ở một số đối tượng nhất định mà thôi, ngay giáo dục ở thành phố và giáo dục ở nông thôn đã khác nhau chứ với vùng sâu, vùng xa thì khác hẳn nhau, khác nhau xa nhiều lắm.
Theo tôi biết chủ trương về đổi mới giáo dục để được Hội nghị trung ương VIII là một cuộc rất vất vả, phải trình ra đến hai hội nghị TW, Hội nghị TW VII chưa thông qua được, cuối cùng là phải chỉnh sửa, xem xét lại và điều chỉnh mới được thông qua tại Hội nghị trung ương VIII. Điều đó thể hiện sư quan tâm của Đảng đối với giáo dục.
Ở Việt Nam vẫn ở trong tình trạng có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra để công nhận kết quả của các cơ sở giáo dục, tôi nghĩ là không đúng. Ví dụ như chuyện cấp bằng thì hàng trăm năm nay ở các nước khác việc cấp bằng đó là do cơ sở đào tạo cấp. Nhưng ở Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước đứng ra cấp, từ bằng phổ thông đến bằng đại học, trên đại học. Tôi nghĩ là đã đến lúc nên xác định phạm vi quản lý nhà nước nên xác định dừng ở đâu.
(Còn nữa)
Tuần Việt Nam - Clip: Xuân Quý - Bạt Tuấn