- Mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của bất kỳ một đứa trẻ nào. Nhưng khi trẻ phạm lỗi, phản ứng của phần lớn các bậc cha mẹ là giận dữ và sẵn sàng dùng roi vọt với con. Chúng ta cho đó là uy quyền để giáo dục trẻ nhưng thực chất đây không phải là giáo dục mà là trừng phạt.
Vấn đề này được Ths Nguyễn Thành Đoàn (Thành viên Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Gia) và PGS. TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội phân tích tại buổi Hội thảo “Tại sao trẻ “hư” và một số cách kỷ luật tích cực” do trường mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) tổ chức.
Nguyên nhân trẻ hư là do người lớn
Thạc sĩ Đoàn cho rằng: giáo dục bằng uy quyền là sai lầm của phần lớn các bậc cha mẹ. Uy quyền của phụ huynh trong giáo dục con cái được thể hiện ở rất nhiều mặt và đôi khi chính họ cũng không biết mình sử dụng uy quyền sai và hành vi hư của những đứa trẻ cũng xuất phát từ điều này.
Theo thạc sĩ Đoàn, khi trẻ mắc lỗi nhiều bố mẹ có thể giận dữ, càu nhàu và sẵn sàng dùng roi bất cứ lúc nào. Ví như việc trẻ làm vỡ cái bát hay lọ hoa, điều người lớn thường nghĩ ngay tới việc đó là dùng roi để dạy cho trẻ nhớ. “Sự dữ tợn có làm trẻ có sợ không? Tất nhiên là chúng sẽ sợ. Trẻ sẽ bắt đầu hình thành tính khiếp nhược và dễ sợ hãi. Dần dần vì điều đó, trẻ sẽ nghĩ ra cách nói dối để không bị mắng hoặc sẵn sàng có hành vi ứng xử gần như là sự “trả thù” cho tuổi thơ của mình.”
Bên cạnh đó không ít người làm cha mẹ nghĩ rằng mình là người lớn, mình luôn đúng và lời nói của mình với con là bất khả kháng “bố mẹ nói con không được cãi”. Có nhiều lí do như sợ con nghĩ bố mẹ nhầm, sợ con nghĩ bố mẹ sai. Bố mẹ luôn đặt ra pháp luật riêng trong gia đình và bắt con cái thực hiện. Điều đó dẫn tới việc nhiều khi chúng ta không biết cuộc sống cá nhân của trẻ, hứng thú suy nghĩ của của chúng ra sao.
Ví dụ thấy được lợi ích của việc đi học đàn, người lớn chúng ta một mực bắt trẻ đi mà không biết con có năng khiếu và hứng thú hay không. Nếu áp dụng thường xuyên, trẻ sẽ chỉ là người biết tuân lệnh. Sau này trưởng thành, có điều kiện trẻ cũng chỉ biết ra lệnh cho người khác. Đồng thời bị kìm kẹp trong sự độc đoán của bố mẹ, trẻ sẽ mất đi tính độc lập sáng tạo của riêng mình.
PGS. TS Lê Văn Hảo trao đổi với các bậc phụ huynh tại buổi Hội thảo |
Thạc sĩ Đoàn khuyên, người lớn hãy đừng để những yếu tố độc đoán này kìm hãm sự phát triển trí tuệ của trẻ. Đừng lạm dụng roi vọt để biến con mình thành những con rô bốt chỉ biết nghe lời.
Hãy dạy trẻ bằng thực tế
“Nhiều người nghĩ rằng không độc đoán, áp đặt mà nên nhẹ nhàng phân tích giải thích với hành vi của trẻ. Nhưng thay vì mất công giảng giải (vốn ngôn ngữ của trẻ không phong phú sẽ khó tiếp thu), chúng ta hãy dùng những trò chơi, câu chuyện có hình ảnh màu sắc sống động gắn liền cảm xúc cũng như sự tương tác, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh.”, ThS Đoàn khuyên.
Ví dụ cụ thể đó là việc trẻ thích thò tay vào cánh quạt đang quay hoặc chạy lại gần bô xe máy đang bỏng. Nhiều cha mẹ không giải thích gì chỉ quát nạt ra lệnh cấm tới gần hoặc nhẹ nhàng thì bảo “con ơi con đừng lại đó, nó cắn, nó bỏng đau lắm”. Trẻ chưa hiểu được đau, bỏng là gì mà cấm thì trẻ càng tò mò. Cách đơn giản là mua một con búp bê bằng nhựa và dí vào bô xe máy đang bỏng, thấy con búp bê bị nóng quá chảy ra, trẻ nhìn và sẽ tự biết hậu quả nếu chúng cố tình chạm vào đó. Cũng giống như việc thò tay vào quạt, bố mẹ chỉ cần lấy một búp rau mềm nhét vào và trẻ sẽ thấy việc búp rau đứt ra.
Thạc sĩ Đoàn còn chia sẻ thêm một số sai lầm trong dạy trẻ: “Đó chính là sự quá yêu thương bảo bọc, sự dễ dãi trong việc nuôi dạy trẻ. Đổi lấy sự nghe lời của con, nhiều gia đình sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào trẻ đưa ra. Hoặc “mua chuộc” trẻ bằng những lời hứa, phần thưởng “con ăn xong, học xong… mẹ sẽ cho con đi siêu thị, mua cho con…”.
Hậu quả là khi lớn lên, gặp bất cứ khó khăn nào trẻ cũng dễ dàng bỏ cuộc vì việc nào chúng làm cũng cần phải có điều kiện hoặc lợi ích ngay trước mắt.
Giáo dục khác với trừng phạt
Đồng ý với những phân tích trên của ThS Đoàn, PGS. TS Lê Văn Hảo cho rằng mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của bất cứ đứa trẻ nào và trẻ thường mắc lỗi bởi 3 lí do: tò mò khám phá, sơ ý hoặc cố tình để thu hút sự chú ý. Đồng thời khi trẻ hư thì sự ra tay ở người lớn với chúng là khá cao.
“Với trẻ khóc cũng là một cách để giao tiếp, để cho người lớn biết rằng chúng đang có vấn đề. Nhưng nhiều bố mẹ lại sẵn sàng quát trẻ bắt phải im ngay lập tức”, PGS. TS Hảo dẫn thêm ví dụ về việc áp đặt uy quyền của cha mẹ với con cái.
Ngày nay xã hội thay đổi kéo theo cuộc sống cũng thay đổi. Nhìn chung trẻ em hiện tại đã khác ngày xưa rất nhiều, chỉ có cách làm cha mẹ của chúng ta là vẫn vậy. Cho nên vấn đề trẻ “hư” là của người lớn chúng ta chứ không nằm ở trẻ.
Với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn tâm lý, là chuyên gia tư vấn và xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng, giá trị sống của tổ chức Plan Việt Nam, ông Hảo đưa ra lời khuyên: “Ngạn ngữ Châu Âu có câu muốn một đứa trẻ ngoan và tốt phải giáo dục nó 20-30 năm trước khi ra đời”, nghĩa là chính người lớn chúng ta phải làm gương cho trẻ.
Trong giới hạn cho phép, cha mẹ hãy làm bạn với con cái của mình. Đừng áp đặt uy quyền độc đoán lên trẻ bởi đó không phải là dạy dỗ, đó là trừng phạt. Nên nhớ giáo dục khác với trừng phạt”.
Minh Thùy