Sau một thời gian ngắn thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh gặp khó khăn, chiều 23/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. 

Chưa bao giờ thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế lại thiếu và bất cập như thời gian ngắn vừa qua. Nhiều bệnh viện thuốc chữa bệnh khan hiếm, vật tư y tế cần nhưng không có. Ngay cả nguồn nhân lực cũng bị tác động theo chiều hướng xấu, nhiều người đã không mặn mà với ngành.

Ngành y dồn lực tiêm vắc xin Covid-19 giúp đẩy nhanh dịch bệnh tại TP.HCM - Ảnh: Trương Thanh Tùng

Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Các vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, sai phạm của cựu Giám đốc Viện Tim Hà Nội, đại án“Việt Á” đã tác động sâu rộng đến toàn ngành y. 

Từ người đứng đầu ngành, các giám đốc sở, giám đốc CDC của nhiều tỉnh thành, giám đốc các bệnh viện…vướng vào vòng lao lý chưa bao giờ nhiều đến thế.  Sai phạm chủ yếu của những người này là buông lỏng công tác quản lý, mua sắm thiết bị vật tư thiếu minh bạch, chưa lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người bệnh lên trên hết và trước hết.

Bệnh viện Bạch Mai - nơi từng xảy ra nhiều những sai phạm liên quan vật tư y tế. Ảnh: Trần Thường

Tâm lý lo sợ, e ngại không muốn mua sắm, không muốn hợp tác, không muốn khai thác nguồn cung… thời gian qua là điều không bình thường.

Những sai phạm của ngành y vừa qua là đáng kể, tuy nhiên không thể làm lu mờ thành tích của cả ngành. Con số vi phạm luật pháp cũng chỉ rơi vào thiểu số những người có chức, có quyền còn toàn thể bác sỹ, dược sỹ, nhân viên của ngành đã có đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống đại dịch vừa qua, và trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Thành tích chống dịch của ta được Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực, các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Họ cho rằng Việt Nam đã kịp thời gửi những chuyến hàng cứu trợ y tế đến các nước bị thiệt hại nặng nề do đại dịch. Tại cuộc họp Đổi mới sáng tạo phòng chống Covid-19 giữa đại diện WHO (Tổ chức y tế Thế giới) và đại diện Việt Nam mới đây, WHO đã đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ công nghệ phòng chống đại dịch của Việt Nam.

Nói như vậy để thấy những đóng góp, những hy sinh của ngành y không chỉ được người dân trong nước đánh giá cao mà cả thế giới nhìn nhận. Nhiều thầy thuốc đã phải hy sinh cả tính mạng, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách  hoàn thành nhiệm vụ.

Trong cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những đóng góp của ngành y, song cũng nhấn mạnh đến những việc làm sai. Thủ tướng cho rằng có công thì thưởng và có tội thì phạt là điều bình thường.

Nói về điều này, Thủ tướng chia sẻ ngành y tế bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành y tế, Bộ Y tế thời gian qua, đóng góp lớn trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn với những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân”- Thủ tướng nêu rõ.

Có thể khẳng định việc để cái sai này ảnh hưởng và phát sinh thành cái sai khác là điều bất bình thường, không thể chấp nhận. 

Nhiệm vụ của ngành y là chữa bệnh cứu người, đó là mục đích cao cả và quan trọng nhất. Nếu cứ để  kéo dài thêm tình trạng  thiếu thuốc điều trị, thiếu sinh phẩm, người bệnh không được chữa bệnh kịp thời ảnh hưởng đến tính mạng là không hoàn thành nhiệm vụ. 

“Không sợ sai. Làm đúng sẽ được bảo vệ”, đó là thông điệp người đứng đầu Chính phủ muốn nhấn mạnh. Thực chất những người vướng vào vòng lao lý thời gian vừa qua là vi phạm pháp luật. 

Thủ tướng một lần nữa khẳng định nếu cơ quan, cá nhân thực sự vô tư trong sáng, minh bạch, công khai và chống tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thì các cấp, các cơ quan sẽ bảo vệ.

Nhấn mạnh đến ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, Thủ tướng cho rằng: “Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý"

Kịp thời xử lý những vướng mắc, những lo lắng của ngành y, các cơ quan chức năng đang khẩn trương rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hoàn thành sớm việc này sẽ tạo thêm nền tảng cho ngành y vững vàng trước sóng gió.

Các sai được nhìn nhận, được loại bỏ là tất yếu trong quá trình phát triển. Những con người, những đơn vị dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung sẽ luôn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân bảo vệ, tôn vinh dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào. 

Nguyễn Đăng Tấn

Sớm ổn định bộ máy, tâm lý cán bộ ngành y khi có nhiều người bị xử lý hình sự

Sớm ổn định bộ máy, tâm lý cán bộ ngành y khi có nhiều người bị xử lý hình sự

Quốc hội yêu cầu sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, người lao động ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Những gian lao và bê bối ở ngành Y tế

Những gian lao và bê bối ở ngành Y tế

Sự vất vả hy sinh chống dịch của ngành Y khiến bất kể người nào cũng biết ơn, trân trọng nhưng nhìn tổng thể thời gian qua, uy tín của ngành Y bị giảm sút bởi quá nhiều bê bối.

Vụ Việt Á: Nhiều cán bộ có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn tham nhũng

Vụ Việt Á: Nhiều cán bộ có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn tham nhũng

Thực tế qua các vụ tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vụ Việt Á cho thấy, những sai phạm chủ yếu xuất phát từ lòng tham, không phải từ sự nghèo khó và nhiều cán bộ có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn tham nhũng.