Dưới tác động sự tiến bộ của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động thế giới cũng như Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nhiều nghề mới, nhiều ngành nhanh chóng trở thành nghề "thời thượng". Đa phần những người lựa chọn các công việc này là các bạn trẻ để thỏa mãn đam mê và có thu nhập cao. Nhưng đằng sau ánh hào quang cũng có nhiều cám cảnh cho những bạn không có khả năng, chưa đủ trình độ đặc biệt sức chịu đựng kém.

Hết mình với đam mê

Tại Việt Nam rất nhiều công việc có tính linh hoạt cao và được xem là nghề "thời thượng" ví dụ như streamer (chơi game, thử đồ ăn, hát, tâm sự, tư vấn…), wedding planner (lên kế hoạch, tổ chức cưới), tiktoker (người sử dụng tiktok và sáng tạo về nội dung), KOL affiliate (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội)… ra đời, thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ.

Được mất với nghề thời thượng - 1
Streamer Nguyễn Hữu Đan Anh review một sản phẩm điện thoại mới

Trong giới đam mê công nghệ, cái tên streamer Nguyễn Hữu Đan Anh (sinh năm 1996) khá quen thuộc. Nổi tiếng trên nền tảng mạng xã hội với các clip review (đánh giá lại sản phẩm) sản phẩm công nghệ mới một cách chân thật nhất, Đan Anh còn tạo sự thu hút với khuôn mặt khả ái, cách nói năng chừng mực, tương tác tốt với khán giả. Đan Anh cho biết cô đến với nghề thật tình cờ khi đang là sinh viên năm 3 Ngành ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học Nhân văn TP HCM được một người bạn giới thiệu công việc để làm thêm. Khi đó cô sinh viên ngôn ngữ không biết gì về công nghệ nhưng quyết tâm học hỏi và khám phá. Càng làm càng mê, đến nay Đan Anh khẳng định cô có thể sống tốt với công việc và thu nhập hiện nay.

Một nghề khá thú vị, ngập tràn hạnh phúc và tự do sáng tạo đang được nhiều bạn trẻ say mê là wedding planner. Nổi tiếng trong nghề này có thể kể đến Trương Anh Kiệt (sinh năm 1987) với thương hiệu Kiệt Honney. Học Đại học Văn hóa TP HCM từng làm cho công ty tổ chức sự kiện và biên tập viên của một đài truyền hình nhưng năm 2013, Kiệt quyết định từ bỏ công việc ổn định để trở thành một wedding planner. Với Kiệt, mỗi đám cưới là một câu chuyện tình nên được anh chăm chút tỉ mỉ, chu đáo và tận tâm. Wedding Planner phải chuẩn bị kế hoạch đến tổ chức, sắp xếp… từ chi tiết nhỏ nhất đến việc lớn nhất cho các cặp đôi và gia đình của họ. Đã từng tổ chức cho 200 đám cưới với 200 câu chuyện hoàn toàn khác nhau, Kiệt Honney đã tạo được tiếng vang lớn trong ngành. "Một đám cưới thành công, được họ hàng, bạn bè hai bên khen ngợi, wedding planer cũng hạnh phúc không kém gì cô dâu, chú rể"- Kiệt bộc bạch.

Lắm chua cay

Thành công nhưng phải trao dồi mỗi ngày là điều sreamer Đan Anh đang làm. Đan Anh kể khi mới vào nghề vì chưa có nhiều kiến thức, cô nói sai về thông tin cấu hình của một chiếc điện thoại. Lập tức, cô nhận được hàng trăm comment "ném đá". "Phải đến mấy ngày sau tôi mới có can đảm đọc hết các comment ấy và nhận thấy mình đã sai, cần phải sửa. Cách sửa tốt nhất là phải học và ghi nhớ thật tốt"- Đan Anh chia sẻ. Nữ streamer 26 tuổi này đang đam mê review đồ gia dụng công nghệ cao và chọn đây là hướng đi mới: bàn ủi hơi nước, máy hút bụi, máy rửa chén, máy sấy quần áo, hệ thống nhà thông điều khiển bằng giọng nói…

Được mất với nghề thời thượng - 2
Wedding Planner Trương Anh Kiệt bày trí tại một tiệc cưới do anh phụ trách

Trong 2 năm qua dịch Covid-19 tác động đến tất cả nghề nghiệp trong xã hội, wedding planner cũng không đứng ngoài. Anh Kiệt cho biết có những đám cưới đã chuẩn bị cả năm nhưng phút chốc bị hủy vì dịch Covid-19, cô dâu- chú rể không thể về Việt Nam, cô dâu đã mang thai, ngân sách bị cắt giảm… Thông thường các đám cưới phải báo trước 3-6 tháng để chuẩn bị nhưng thời dịch Covid-19, team của Kiệt chỉ được báo trước 3 tuần thế là tất cả mọi người phải tăng ca để hoàn thành. Nói về nghề mình, Kiệt cho biết: "Wedding Planer là nghề khá thú vị nhưng cũng là nghề khó vì người làm nghề này phải am hiểu về âm nhạc, mỹ thuật, kết cấu kỹ thuật, nắm bắt tâm lý khách hàng và đặc biệt xử lý tốt tình huống. Vì thế, các bạn trẻ khi chọn nghề này phải cân nhắc kỹ, chỉ có đam mê không chưa đủ".

Nhận xét về việc chọn nghề của giới trẻ, bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Công ty TNNH Anphabe, cho biết thế hệ trẻ ngày nay tin rằng mọi kiến thức đều có thể tìm thấy trên mạng một cách nhanh chóng (one click away) do đó, họ thường không có chuyên môn vững chắc. Thay vì vậy, các bạn tập trung vào phát triển những kỹ năng phù hợp với sở thích bản thân, dẫn đến việc làm những công việc mang tính tự do cao. Vì là thế hệ tin vào Internet, các bạn trẻ cần có chuyên môn vững chắc, cần trau dồi kiến thức và kỹ năng một cách nghiêm túc, chuyên sâu, thay vì chỉ tập trung vào những kỹ năng phù hợp với sở thích bản thân. Chỉ có như vậy các bạn mới có thể theo đuổi mục tiêu sự nghiệp một cách chắc chắn.

"Thế giới việc làm ngày nay liên tục thay đổi, đặc biệt tốc độ thay đổi ngày càng nhanh hơn sau đại dịch, các kỹ năng cần thiết hiện nay sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời và được thay thế bởi các kỹ năng mới. Vì vậy, các bạn cần phải luôn giữ ý thức "học tập suốt đời", học từ bạn bè, đồng nghiệp, các khóa học công ty cung cấp và thậm chí là tự học các kỹ năng mới trong suốt hành trình sự nghiệp của mình"- bà Thanh cho hay.

(Theo Dân Trí)

Nghề độc lạ: Kiếm bộn tiền nhờ... gấp quần áo cho giới nhà giàu ở Hà NộiGấp quần áo, dọn tủ quần áo là nghề còn khá mới mẻ, lạ lẫm ở Việt Nam. Những gia đình giàu có sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê người giải quyết tình trạng khủng hoảng trước những "núi quần áo".