Tuyến đường ven sông Tô Lịch được Sở GTVT TP Hà Nội đưa vào thử nghiệm dành riêng cho xe đạp và người đi bộ từ ngày 1/2.
Dọc tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dài 2,3km, được đơn vị vận hành dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng bố trí khoảng 100 xe đạp thường và xe đạp trợ lực điện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, đến nay sau 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến đường không phát huy hiệu quả, hàng loạt xe đạp “nằm im” chờ khách.
Theo ghi nhận vào những ngày đầu tháng 4/2024, tại khu vực ven sông Tô Lịch, mùi hôi thối từ nguồn ô nhiễm dưới sông vẫn bốc lên nồng nặc, nhất là khi trời nắng. Trên mặt đường, luôn trong tình trạng vắng người qua lại.
Ở dải phân cách giữa đường Láng và đường dành cho xe đạp, xuất hiện những túi rác, bao tải phế liệu chất thành đống dù cách đó không xa có điểm tập kết rác.
Tại điểm thu gom rác, một nữ lao công cho biết, chị làm việc ở đây từ sáng đến chiều, chứng kiến từ những ngày đầu tuyến đường dành riêng cho xe đạp đi vào hoạt động.
“Tuyến đường chỉ lác đác người đi xe đạp, đi bộ từ 6 - 8h sáng và từ 17 - 18h30 chiều mỗi ngày. Khung giờ còn lại thì gần như không ai đi ngang qua”, nữ lao công nói.
Trước đây, để ngăn xe máy, ô tô đi vào tuyến đường này, ở đầu những nút giao đều có rào chắn sắt. Người đi xe đạp muốn đi vào phải vác xe qua.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã tháo rào chắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đi đi xe đạp. Tuy nhiên, ô tô, xe ba gác lại thường xuyên đỗ chiếm gần hết 1 làn đường bất chấp biển báo đường ưu tiên cho xe đạp, người đi bộ.
Chị Nguyễn Hải Anh (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) nhận định, thành phố đã nỗ lực để có một tuyến đường ven sông không xe máy, ô tô, chỉ dành cho xe đạp.
Tuy nhiên, chị Hải Anh phản ánh: “Tôi và gia đình rất hay đạp xe ngày cuối tuần, chạy bộ mỗi sáng nhưng không lựa chọn cung đường này. Chúng tôi đến công viên Cầu Giấy dù đường đi đến đó xa hơn.
Bởi vì, dù khung cảnh đẹp nhưng sông Tô Lịch ô nhiễm nặng. Bất kể ngày mưa hay nắng, sáng hay chiều, mùi hôi thối cũng bốc lên nồng nặc”.
Nghe tin Hà Nội sẽ triển khai lấy nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch, chị Hải Anh hy vọng dòng sông này sẽ được hồi sinh.
Theo chị Hải Anh, nếu nước sông chuyển từ màu đen sang “đỏ nặng phù sa”, không còn hôi thối thì chắc chắn mọi người không còn “né” cung đường này. Đây sẽ là nơi để người dân tập thể dục sáng chiều, là con đường di chuyển lý tưởng mỗi ngày.
Trước đó, ngày 1/4, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Cụ thể, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý; đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng nhằm góp phần nâng cao mực nước sông, tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy, Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.
Được biết ý tưởng thau rửa sông Tô Lịch cũng đã được Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đề xuất từ năm 2019.
Theo đề án công ty này đưa ra, đơn vị sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau khi nước hồ Tây được cải thiện bằng nước sông Hồng, công ty điều tiết nước từ hồ qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.