Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Đà Nẵng) và 2 thuộc cấp về hành vi "Tham ô tài sản".

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ra quan điểm, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, có lẽ đây là lần đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố về tội tham ô tài sản. Với tội danh bị truy tố, các bị can này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Ông Thạnh tại nhà riêng vào chiều 20/6. Ảnh: Hồ Giáp

Thông tin từ phía cơ quan điều tra, ông Thạnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 thành mẫu đơn, đồng thời biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á.

Số vật tư dôi dư sau khi “phù phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận. Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỉ đồng.

Luật sư Cường cho hay, với kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy các bị can đã chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu nhà nước mà các bị can được giao nhiệm vụ quản lý.

Lực lượng chức năng có mặt tại nhà riêng ông Thạnh. Ảnh: Hồ Giáp

Tài sản ở đây là vật tư y tế, kit test xét nghiệm Covid-19 đã nhận từ Công ty Việt Á. Thủ đoạn chiếm đoạt là làm giả sổ sách chứng từ để hợp thức hóa, nhằm che mắt cơ quan chức năng.

“Cơ quan điều tra đã tiến hành định giá tài sản bị chiếm đoạt và bước đầu xác định giá trị tài sản hơn 4 tỉ đồng. Đây là số tiền đặc biệt lớn nên các bị can sẽ bị điều tra về tội tham ô tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 353 bộ luật hình sự”, luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, theo quy định của pháp luật, người được giao quản lý tài sản đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.

“Với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 1 tỉ đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Cường cho hay.

Nhiều tài liệu tại nhà riêng của ông Thạnh được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Hồ Giáp

Đối với những vụ án có đồng phạm, theo luật sư Cường, những bị can chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn. Trong vụ án này, trường hợp bị kết tội thì bị can chủ mưu cầm đầu, hưởng lợi lớn thì rất có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Với bị can vai trò giúp sức thứ yếu mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xác định tội danh, và cơ sở để xác định mức hình phạt đối với từng bị can khi giải quyết vụ án.

Đặc biệt, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của các cán bộ, nhân viên của Công ty Việt Á. Trường hợp có hành vi giúp sức, xúi giục các bị can thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với các cá nhân có liên quan”, luật sư Cường cho hay.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp thông tin, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ "đường đi" của những tài sản này như thế nào. Trường hợp các tổ chức cá nhân biết rõ tài sản này là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có để xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường nhận định, hành vi tham ô tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của nhà nước, làm mất uy tín của nhà nước đối với nhân dân, đặc biệt hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, các bị can trong vụ án này sẽ bị xem xét xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Công Sáng