Tại cuộc họp khẩn cấp về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các tỉnh biên giới Tây Nam, sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Chúng ta không thể lơ là, chậm trễ thêm nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo với Thủ tướng, đại diện các bộ ngành Trung ương cho biết, thời gian qua các lực lượng đã phối hợp, duy trì 1.820 tổ chốt với 11.824 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ để kiểm soát trên toàn tuyến biên giới.
Bộ Quốc phòng đã lên phương án tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, mở thêm các khu cách ly tập trung mới chuẩn bị cho với kịch bản 30.000 người nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao triển khai các biện pháp phối hợp với lực lượng phía Campuchia trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát biên giới…
Bộ Công an quyết tâm phòng, chống dịch bệnh ngay trong lực lượng, bảo đảm luôn là lực lượng tuyến đầu; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời chủ trì, điều tra xử lý các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp…
Bộ Công an, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tập trung triệt phá các ổ nhóm buôn lậu cộm cán. Bộ Công Thương kiến nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành, chuyển tư duy phòng, chống buôn lậu sang “chủ động tấn công các “đầu nậu lớn”. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp bảo đảm thông quan hàng hoá sang Campuchia thuận lợi, vừa phòng, chống dịch vừa lưu thông hàng hoá.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm và bám việc của Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh khi người đứng đầu đều tham dự họp và sẵn sàng tham gia chống dịch.
Báo cáo tại hội nghị lãnh đạo các địa phương: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang,… cho biết, ngay từ khi xảy ra đợt dịch, các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo phòng, chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế…
Theo đó, các địa phương đã đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, bảo đảm an toàn cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp…
Từ điểm cầu UBND tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với các 5 tỉnh biên giới Tây Nam và điểm cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các địa phương cũng xây dựng các kịch bản, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cách ly tập trung, xét nghiệm, điều trị, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho các địa phương của Campuchia,… Với đặc thù có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, nơi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, các tỉnh biên giới Tây Nam đã tăng cường lực lượng, bịt kín biên giới cả trên đất liền, trên biển, tạo nhiều tầng, nhiều lớp để hỗ trợ lẫn nhau,… vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tố giác người nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép.
Lãnh đạo các tỉnh đã kiến nghị Chính phủ một số nội dung liên quan đến vấn đề trao trả người nước ngoài nhập cảnh trái phép đã hết thời gian cách ly; tạo thêm nguồn lực để triển khai hỗ trợ kiều bào tại Campuchia; điều kiện để bảo đảm tổ chức cách ly khi kiều bào từ Campuchia về nước….
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, những ngày qua, ông cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ.Phải dự liệu tình huống xấu nhất để ứng phó hiệu quả
Thực tế cho thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dầy đặc, tăng cường quân, lực lượng liên hợp… nên đã ngăn chặn khá tốt tình trạng nhập cảnh trái phép.
Về tình hình hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt, nhưng áp lực rất lớn, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá và lý giải: Tuyến biên giới Tây Nam không như phía bắc, “bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới”… các lực lượng chức năng phải căng mình với 500m/chốt kiểm soát nên rất vất vả. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Về kiểm soát, xử lý đối tượng nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh phải đánh giá đúng tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang,… Đồng thời chúng ta cũng phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cơ sở, địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp,… Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để cơ sở thực hiện tốt 5K, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Từng địa phương tùy theo tình hình để thực hiện giãn cách, hạn chế các hoạt động tập trung, vui chơi, giải trí; bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất an toàn, sinh kế cho bà con…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự họp tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Dẫn ví dụ, tại Hải Dương, trong 1 đêm cách ly cho 3.000 người, nhưng tổ chức không phù hợp dẫn tới “hậu quả xử lý cả tháng chưa xong”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị chỗ cách ly, phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định.Có kịch bản cách ly số lượng lớn trong thời gian ngắn
Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.
Về vấn đề xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt lo về vấn đề xét nghiệm. Bộ Y tế làm việc với các sở ở các tỉnh biên giới, phải có cơ chế khẩn cấp và mua dự phòng trang thiết bị vật tư y tế…”.
Mặt khác, trong các đợt dịch xảy ra trước đây, nhìn chung các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo đúng nghĩa, do đó chưa có kinh nghiệm ứng phó. Nếu dịch xảy ra trong cộng đồng, ứng phó sẽ lúng túng. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng và báo cáo tỉnh các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất.
Về vấn đề quản lý xuất nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng cho biết: “Ở biên giới thì Bộ Quốc phòng lo, nhưng các tỉnh cũng phải chủ động, tăng cường lắp camera giám sát không chỉ ở tuyến biên giới, mà cả ở khu vực đô thị, đầu mối giao thông, những nơi nguy cơ cao… để khi cần sẽ truy vết nhanh được. Tôi đã giao cho Bộ TT&TT, đề nghị lãnh đạo các tỉnh cũng phải quan tâm chỉ đạo vấn đề này”.
Kiểm soát chặt người nhập cảnh
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lo nhất là nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào, do vậy phải kiểm soát chặt nguồn nhập cảnh.
Đặc biệt đối với việc ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, lực lượng quân đội, công an là chủ yếu nhưng hệ thống chính trị đặc biệt quan trọng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị cả hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh biên giới cùng vào cuộc để ngăn chặn dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 4 nguyên nhân khiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng phân công nhau đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở Hà Nội, với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã rất tích cực, trong mấy tuần vừa qua gần như làm việc cả đêm, cả ngày. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên tục đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Tây Nam.Nguy cơ dịch bệnh lây lan ra toàn quốc đã hiện hữu
Hôm nay (9/5), Thủ tướng trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và một số Bộ trưởng tiếp tục đi kiểm tra trên thực địa tại một số địa phương và xem xét các công việc liên quan đến nhiều mặt ở các tỉnh biên giới phía Nam.
Thủ tướng nêu rõ, việc tổ chức cuộc họp khẩn cấp sáng 9/5 để tiếp tục có đánh giá phù hợp, đưa ra các giải pháp sát với tình hình và có hiệu quả hơn. Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ ngành tiếp thu ý kiến, kiến nghị của 6 tỉnh biên giới, Quân khu 7, Quân khu 9, các bộ ngành và ý kiến chỉ đạo của 3 Phó Thủ tướng để hoàn thiện phương án chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đến 12h ngày 9/5, nước ta đã ghi nhận tổng số 256 ca nhiễm COVID-19 tại 26 tỉnh, thành. Như vậy, trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí không tuân thủ quy định về hoạt động của “Tổ 5 người” (gồm lãnh đạo 5 bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT); thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc, chưa nói đến tiêu cực có thể xảy ra, “nay mai phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm”.
Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng, đã trên 20 tỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh: Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bí thư, Chủ tịch các cấp, Thủ tướng yêu cầu: “Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh”.
Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế dẫn tới “bị thủng lưới”.
Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.
Thủ tướng cho biết, vừa qua đã xuất hiện hiện tượng chống phá, xuyên tạc, nói xấu, đưa thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiện, nền tảng thông tin về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 làm nhân dân hoang mang, dao động… Nhấn mạnh chúng ta phải đề cao cảnh giác, Thủ tướng đề nghị các phương tiện thông tin truyền thông, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉđạo phòng, chống dịch là“thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện những tính chất mới hơn, có những đặc thù diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, chúng ta phải nhận định sâu sắc về vấn đề này. Nhưng vừa qua các lực lượng trên tuyến đầu như y tế, quân đội, nhất là Bộ đội Biên phòng, Công an cơ sở đã căng mình chống dịch trên toàn tuyến. Các địa phương có ổ dịch, những nơi xuất hiện tình hình phức tạp, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng nhân dân đã căng mình chống dịch.8 nhiệm vụ trọng tâm
Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng yêu cầu “phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”.
Thủ tướng nhận định tình hình rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn chung chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, thì chúng ta sẽ thất bại.
Nêu thực tế vẫn có địa phương còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản phù hợp, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục chỉ ra địa chỉ, con người cụ thể, “lúc này không có nể nang”, “phải kết hợp hài hoà phòng ngự với tấn công, tấn công tốt thì mới phòng ngự, phòng ngự tốt mới đảm bảo tấn công tốt”.
Thủ tướng nhấn mạnh nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước (hiện đã có ca bệnh ở 26 tỉnh thành), thì ảnh hưởng đến ổn định chính trị, sức khoẻ nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, việc kết thúc năm học 2020-2021 thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ dạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế… tiếp tục phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh, đảm bảo “mục tiêu kép”, thực hiện tốt cuộc bầu cử, kết thúc năm học 2020-2021. Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải vào cuộc.
Thứ hai, các địa phương đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ ba, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu và nhập khẩu qua biên giới…
Thứ tư là phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, sáng 9/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua kiên quyết xử lý Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện Bình Xuyên do lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan đơn vị đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, “vừa có tính chất động viên, truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm minh có tính răn đe, có vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo mới có hiệu quả”.
Thứ sáu, Bộ Y tế tiếp tục nhập vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vaccine không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.
Thứ bảy, thường trực cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải tích cực vào cuộc, tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.
“Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc, và người có trách nhiệm cũng phải trả giá”, Thủ tướng nêu rõ.
Thứ tám, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.
Các bộ ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Thủ tướng lưu ý các phương tiện bốc dỡ hàng hoá tại các cảng, nhất là tàu thuyền đến từ các nơi có ổ dịch phải khẩn trương giải quyết nhanh các thủ tục xuất cảng, xuất cảnh đảm bảo an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về tình hình phân bổ các chốt kiểm soát của Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chúng ta tiếp tục kêu gọi toàn dân không lơ là chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, phải tỉnh táo, sáng suốt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên trì cùng với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị phòng, chống dịch cho tốt. Mỗi người dân vì chính mình cùng là vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.Cùng vào cuộc với tinh thần tấn công
Thủ tướng đề nghị các tỉnh biên giới, bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch hiện nay.
Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu sử dụng công nghệ, vật liệu mới để triển khai nhanh việc xây dựng các khu nhà, bệnh viện dã chiến khi có tình huống.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền cũng phải vào cuộc với tinh thần tấn công, “thần tốc, thần tốc hơn nữa, hiệu quả, hiệu quả hơn nữa, thành công, thành công hơn nữa”.
Một lần nữa Thủ tướng nhắc nhở: “Không hoảng hốt, không lo sợ, hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng, chống dịch”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp khẩn với 6 tỉnh biên giới Tây Nam
Sáng 9/5, trong chuyến công tác tại ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam.
Theo baochinhphu.vn