Hơn 10 năm nuôi gà ri thả vườn, chưa bao giờ ông Nguyễn Thành Hoàng ở thôn Tân Thắng, xã Phú Thành (Lạc Thuỷ, Hoà Bình) lại rơi cảnh trớ trêu như hiện nay. Cả vạn con gà ri thả vườn đến lứa xuất chuồng, trọng lượng đã đạt 1,6-2 kg/con song vẫn không có người mua dù giá giảm mạnh.
Ông Hoàng than thở, từ năm ngoái đến nay, người nuôi gà như ông luôn thấp thỏm lo âu vì hết thừa cung giá giảm lại đến ế ẩm do dịch bệnh. Như dịp tháng 4 năm ngoái, gà ri đặc sản Lạc Thuỷ rớt giá thảm, ông lỗ khoảng 300 triệu đồng. Song, thời điểm đó vẫn còn may mắn hơn bây giờ khi thương lái vẫn đến thu mua.
Còn bây giờ, giá gà ri giảm chỉ còn 75.000 đồng/kg vẫn không có người mua, dù thời điểm sau Tết Nguyên đán giá trên thị trường vẫn 100.000 đồng/kg.
“Giá giảm có người mua gà cho còn may, chứ giờ giá không những giảm mà còn ế ẩm", ông nói. Dịch Covid-19 khiến nhiều hàng quán đóng cửa, gà bán chẳng có người mua.
Dù giá giảm mạnh, song gần 1 vạn con gà ri của gia đình ông Hoàn đến lứa xuất chuồng vẫn không có ai mua |
Theo ông Hoàng, gà ri thả vườn trên Lạc Thuỷ thường được nuôi khoảng 4,5-5 tháng để đảm bảo gà ăn dai ngon, chắc thịt. Sau thời gian này, dù có nuôi thêm gà cũng không thể lớn, thậm chí trọng lượng còn hao hụt. Ví như gà mái đến lứa xuất chuồng nếu không bán được sẽ bước giai đoạn đẻ trứng, ấp nở, cân nhẹ đi. Tương tự, gà trống nuôi dài ngày quá sẽ đến tuổi đạp mái, trọng lượng ít nhiều cũng sụt giảm.
Gà ế không xuất bán được khiến ông như ngồi trên đống lửa. Bởi, mỗi ngày chi phí ăn uống của 1 con gà hết khoảng 1.000 đồng. Tính ra, 1 vạn con gà mỗi ngày ngốn của ông khoảng 10 triệu đồng tiền thức ăn.
“Càng nuôi dài ngày càng lỗ nặng. Để nuôi được đàn gà này tôi phải vay nợ cả tỷ đồng, giờ chỉ mong bán hết để cắt lỗ. Chứ kéo dài thêm 1 tháng nữa tôi gánh khoản lỗ tới vài trăm triệu đồng”, ông Hoàng buồn rầu nói.
Cũng theo ông Hoàng, không riêng gì gia đình ông, dịp này người chăn nuôi gà trên vùng Lạc Thuỷ khóc ròng vì thua lỗ. Bởi nhà nuôi ít thì vài ngàn con, nhà nuôi nhiều tới 2-3 vạn con.
Già giảm, gà không bán được, các hộ dân khóc ròng vì càng nuôi dài ngày càng lỗ nặng |
Cùng cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Đức Hiển, một hộ nuôi gà khác ở xã Phú Thành (Lạc Thuỷ), cũng nuôi 4.000 con gà ri thả vườn đồi. Dịp này, khoảng 2.000 con đến lứa xuất chuồng nhưng chờ mãi không thấy thương lái đến thu mua.
Giá gà ri từ 90.000 đồng/kg nay giảm còn 70.000-73.000 đồng/kg. Theo anh Hiển, với mức giá này, nếu thương lái đến thu mua hết may mắn thì thu hồi đủ vốn liếng. Song, dịp này thương lái ít mua hơn hẳn.
Ngồi nhìn 2.000 con gà đang chạy nhảy trong vườn nhà, anh Hiển nói: “Càng nuôi càng lỗ. Gần 2.000 con gà này chậm bán 1 ngày là lỗ thêm 2 triệu đồng. Cứ đà ế ẩm này thì cả tháng nữa mới xuất hết gà”.
Thực tế những ngày gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà hàng quán ăn đóng cửa để đảm bảo cách ly xã hội khiến giá các loại thịt gia cầm giảm thê thảm, thậm chí có thời điểm giá gà công nghiệp chạm đáy, rẻ hơn giá rau ngoài chợ. Các loại trứng gia cầm cũng giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nhiều hộ không cầm cự được đành phá đàn bán tháo.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, giá gà, vịt liên tục giảm, có thời điểm giá gà trắng (gà công nghiệp) chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg, bằng 50% giá trước Tết, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây; gà quá lứa có giá bán chưa đến 7.000 đồng/kg...
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, quý 1 năm nay, chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng khoảng 15%, đưa đàn gia cầm hiện nay lên con số 470 triệu con, sản lượng thịt gia cầm ước đạt 383,4 nghìn tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 4,1 tỷ quả, tăng 14,1% so với năm ngoái.
Chính mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng gia cầm khiến nguồn cung dư thừa, cộng hưởng với dịch bệnh đã làm cho giá mặt hàng này liên tục giảm sâu, có thời điểm giá gà, vịt xuống đáy, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Bảo Phương