Ngay sau khi Elon Musk công khai ủng hộ kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD của Tesla vào Bitcoin, giá trị của đồng tiền này tăng chóng mặt, thậm chí lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, hơn 49.000 USD, ít lâu sau.
So với năm 2020, đồng tiền mã hóa đã tăng hơn 300%, theo Nikkei, đà tăng trưởng “thần kỳ” của Bitcoin có nét tương đồng với sự phát triển của Tesla.
Đà tăng trưởng của Bitcoin có nét tương đồng với Tesla. Ảnh: QUICK-FactSet. |
Rốt cuộc, đây là tuyên bố của Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới. Với nhiều nhà đầu tư, những gì tốt đẹp nhất mà Musk dành cho Tesla chắc chắn cũng đủ tốt cho họ.
“Tesla không phải công ty giàu tiền mặt. Việc họ quyết định chi 8% số tiền mặt đang có cho Bitcoin cho thấy họ tin tưởng vào giá trị đồng tiền này như thế nào”, Lennix Lai, Giám đốc thị trường tài chính của sàn giao dịch tiền điện tử OKEx, cho biết.
Bitcoin đang đi chệch hướng
Trên thực tế, từ thời điểm giá trị chạm đáy vào tháng 3/2020 đến nay, Bitcoin có xu hướng vận hành như một loại cổ phiếu thay vì trở thành loại tài sản đáng tin cậy, một trong những đặc điểm mà nhiều nhà đầu tư mong muốn nó trở thành.
Bitcoin được phát hành độc lập với các chính phủ cũng như ngân hàng trung ương. Trên lý thuyết, đồng tiền mã hóa này có số lượng giới hạn về mặt thuật toán, đồng thời có khả năng chịu đựng những cú sốc xuất phát từ thị trường truyền thống. Đó là lý do tại sao Bitcoin nên hoạt động theo xu hướng giống vàng kỹ thuật số, một trong những loại tài sản phòng bị cuối cùng.
Bitcoin đang vận hành theo xu hướng giống một loạt cổ phiếu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, giá trị của Bitcoin trải qua chuỗi biến động liên hồi. Sau đợt sụt giảm lớn đầu năm 2020, đồng tiền mã hóa chứng kiến sự phục hồi trở lại nhờ một số yếu tố vốn đang thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng lên mức kỷ lục, bao gồm hàng loạt gói kích thích từ chính phủ và tính thanh khoản cao từ các ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi mong muốn được khẳng định cũng như chứng minh rằng Bitcoin đang di chuyển ngược chiều với thị trường chứng khoán. Nhưng thật không may, Bitcoin đang dấn thân vào con đường đó”, Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ của sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex, nhận xét.
Do sự ảnh hưởng của Covid-19, Bitcoin đã đánh mất 50% giá trị vào tháng 3 năm ngoái, đà suy giảm thậm chí tồi tệ hơn thị trường chứng khoán. Thay vì nghe theo lời kêu gọi “giữ lấy” từ những tín đồ trung thành nhất của Bitcoin, nhiều nhà đầu tư vẫn vội vã bán tháo và rút tiền về.
Đứng cạnh Dow Jones và S&P 500, triết lý nền tảng cũng như cơ sở hạ tầng của Bitcoin đang được thử thách. Có thời điểm, khối lượng giao dịch quá tải đã khiến một số sàn giao dịch tiền mã hóa sập. Trên OKEx, thời gian chờ giao dịch có lúc tăng gấp 3 lần, các khoản phí kèm theo đó cũng liên tục tăng theo.
“Chúng tôi không ngủ. Thực sự rất đau khổ, mọi người đều chịu cú sốc. Ngay cả khi đó không phải ngày tận thế, chúng tôi cũng không biết họ cần bao nhiêu thời gian để hồi phục”, Lai cho biết.
Bitcoin liệu có biến thành vàng?
Bước ngoặt của Bitcoin chỉ xảy đến khi Paul Tudor Jones, vị tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ, xuất hiện với tư cách một “holder” – người giữ tài sản lâu dài. Tháng 5/2020, Jones thông báo đang sở hữu gần 2% tài sản của bản thân bằng Bitcoin. Chia sẻ với các nhà đầu tư, Jones cho biết Quỹ Tudor BVI của ông trong tương lai sẽ coi các giao dịch Bitcoin như một hình thức chống lạm phát.
Kể từ thời điểm đó, Bitcoin nhận được không ít sự quan tâm từ các tổ chức lớn như ngân hàng đầu tư, quỹ đầu cơ hay những công ty như Tesla.
Bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung đang có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính thế giới. Ảnh: Nikkei. |
“Chúng tôi âm thầm tin rằng Bitcoin sẽ được chấp nhận như vàng kỹ thuật số, chính những thế hệ nhà đầu tư có thành tích và vị thế (ám chỉ Jones) đã xác nhận điều đó. Đối với một người có kiến thức nền tảng về ngân hàng đầu tư, việc hình thành một loại tài sản mới là điều rất thú vị”, Richard Galvin, Giám đốc điều hành của Digital Asset Capital Management, nhận xét.
Để giấc mơ biến thành vàng thành sự thật, tài sản đó phải chứng minh được những giá trị cơ bản, điển hình nhất là tính ổn định về giá trị, đủ thanh khoản để các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, sự gia nhập của các tổ chức tiền tệ lớn được coi là một yếu tố hỗ trợ những tài sản như Bitcoin trở thành vàng.
Hiện nay, các ngân hàng đầu tư, quỹ đầu cơ cũng như những công ty có khối lượng giao dịch lớn đang hướng tới việc sử dụng tiền mã hóa trong thời gian dài, đầu tư vào những đơn vị có nguồn gốc từ tài sản kỹ thuật số và yêu cầu tuân thủ.
"Các ngân hàng đã mua tiền mã hóa trong một thời gian dài. Họ không lên tiếng về điều đó nhưng họ đang làm điều đó. Vàng không còn là tài sản tốt để nắm giữ nữa", Lai nói.
Tuy nhiên, dòng tiền mới đang tạo ra những lỗ hổng về pháp luật. Đây là lý do khiến các cơ quan quản lý liên tục để mắt đến Bitcoin hay tiền mã hóa nói chung, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến tính bảo mật trên thị trường.
Giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro phát sinh trong quá trình tìm hiểu khách hàng và kiểm tra chống rửa tiền của các sàn giao dịch. Với mục tiêu đón lấy làn sóng những nhà đầu tư mới, sàn OKEx cho biết họ phải giải quyết hơn 10.000 yêu cầu KYC (xác minh danh tính nhà đầu tư) mỗi ngày. Bên cạnh đó, một số khu vực pháp lý vẫn chưa hình thành các quy tắc về lưu ký, các công cụ phái sinh và thuế.
Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn hy vọng rằng sự tham gia của Tesla sẽ đẩy nhanh quá trình này. Thậm chí, theo các nhà phân tích tại RBC Capital Market, Apple có khả năng sẽ là công ty tiếp theo đầu tư vào Bitcoin. Trước đó, Visa, Mastercard, Paypal hay Square cũng đều đưa ra những giải pháp hỗ trợ người dùng giao dịch bằng đồng tiền mã hóa này.
(Theo Zing)