Tuần trước, toà án cấp cao tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã trích dẫn kết quả tìm kiếm từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cho thấy trong vòng 5 năm qua, các cơ quan tư pháp nước này đã công nhận 158 vụ kiện sử dụng bằng chứng là các biểu tượng cảm xúc, cũng như các hình thức biểu đạt trực tuyến khác.

Xu hướng công nhận các cách thức giao tiếp hiện đại như biểu tượng cảm xúc (emoji), nhãn dán (sticker) hay ảnh chế (meme) đã tăng từ 8 vụ vào năm 2018 lên 61 vụ trong năm 2021.

Tại Trung Quốc, việc sử dụng các emoji, sticker hay meme được gọi chung là biaoqingbao, một từ vựng phổ biến trên mạng xã hội, đặc biệt với với giới trẻ. Một cuộc khảo sát năm 2021 tiến hành bởi China Youth Daily cho thấy hơn 70% trong số 4.351 sinh viên được hỏi, cho biết họ thường xuyên sử dụng các biểu tượng hình ảnh như vậy để truyền đạt cảm xúc.

Dù vậy, bài đăng trên kênh WeChat của toà án tỉnh Giang Tô cũng gây ra làn sóng tranh cãi và mỉa mai trên mạng xã hội do ý nghĩa của một số biểu tượng cảm xúc nhất định có thể rất khác nhau, tuỳ từng vào người dùng cụ thể. Một số cư dân mạng Trung Quốc châm biếm rằng họ sẽ cảnh giác hơn khi sử dụng các biểu tượng, trong khi một số khác nghi ngại về cách thức nhà chức trách giải mã ý nghĩa và ý định đằng sau những biểu tượng này.

“Liệu tôi có bị kiện vì phạm tội bạo lực khi gửi một emoji về việc ai đó bị đập vào đầu không?”, một bình luận trên Weibo thắc mắc.

Dưới góc độ pháp lý, việc xác minh ý nghĩa đằng sau những biểu tượng cảm xúc sẽ là một thách thức, dù toà án từ lâu đã công nhận các đoạn hội thoại trên ứng dụng nhắn tin hay bài đăng mạng xã hội là bằng chứng kỹ thuật số của các vụ kiện dân sự.

Bài đăng của toà án Giang Tô cũng cho hay số lượng vụ việc liên quan sử dụng biểu tượng cảm xúc đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Trung Quốc trong vài năm qua.

Chẳng hạn, một toà án hoà giải ở phía Nam Thẩm Quyến đã công nhận việc phản hồi sử dụng biểu tượng mặt trời như một sự chứng thực về việc gia hạn hợp đồng trong một vụ tranh chấp cho thuê. Trong khi đó, năm 2020, toà án quận tại tỉnh An Huy tuyên bố bác bỏ biểu tượng cử chỉ tay OK (đồng ý) là bằng chứng xác nhận hợp đồng.

Các chuyên gia pháp lý nói rằng việc giải thích cặn kẽ các sắc thái của biểu tượng trong bối cảnh số lượng vụ việc ngày càng tăng là một thách thức lớn. Không những vậy, chúng cũng không đóng vai trò quyết định trong phần lớn trường hợp. 

Việc xác minh những biểu tượng cảm xúc như một bằng chứng pháp lý cần dựa trên bối cảnh cụ thể và chỉ nên được xem xét kỹ hơn trong các vụ án hình sự.

“Trong nhịp sống hối hả của chúng ta bây giờ, sẽ không phù hợp nếu coi các hình thức biểu đạt trực tuyến là bằng chứng quan trọng trước toà. Mọi người có thể chỉ sử dụng chúng như một phép lịch sự hoặc để trả lời mà không đọc kỹ nội dung”, Ge Shuchun, thành viên của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc cho biết.

Vinh Ngô