Lãnh đạo chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường của liên minh sau cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng trong khối, nhằm thảo luận về việc Taliban nhanh chóng chiếm giữ thủ đô Kabul của Afghanistan.

{keywords}
Các quan chức tham dự cuộc họp khẩn của Hội đồng đối ngoại EU ngày 17.8. Ảnh: Reuters

"Tôi không nói, chúng tôi sẽ công nhận Taliban. Tôi chỉ nói rằng, chúng tôi phải trao đổi với họ về mọi thứ, thậm chí là cố gắng bảo vệ phụ nữ và các bé gái. Kể cả vì việc đó, bạn cũng phải liên lạc với họ", nhà ngoại giao hàng đầu EU cho biết tại một cuộc họp báo ngày 17/8.

Theo ông Borrell, ưu tiên của EU hiện nay là sơ tán các nhân viên của liên minh cũng như những người Afghanistan trợ giúp khỏi Kabul. Quan chức này ước tính số dân địa phương đã làm việc cho EU và thân nhân của họ vào khoảng 400 người.

Tây Ban Nha đề nghị đóng vai trò trung tâm tiếp nhận những người này trước khi họ được đưa đến các nước EU đồng ý cho họ tị nạn.

Reuters dẫn lời lãnh đạo chính sách đối ngoại EU nhấn mạnh, các khoản viện trợ nhân đạo cho người Afghanistan cần phải được duy trì và thậm chí tăng lên. Song, trợ giúp sẽ chỉ đến nếu các điều kiện được đáp ứng. Thừa nhận Taliban đã thắng cuộc chiến ở quốc gia Nam Á, EU mong muốn sớm xúc tiến đối thoại để ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo và thảm họa di cư tiềm ẩn.

Ông Borrell xếp việc Kabul thất thủ là sự kiện địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014. EU sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Nga và Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay, Berlin muốn đàm phán trực tiếp với Taliban về việc sơ tán nhân viên người Afghanistan. Dự kiến Đại sứ Đức tại Afghanistan Markus Potzel sẽ đến Qatar để đàm phán với Taliban về nhiệm vụ này.

Taliban cam kết bảo vệ quyền của phụ nữ, hợp tác với quốc tế

{keywords}
Các thành viên Taliban tại một chốt gác ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong buổi họp báo chính thức đầu tiên của nhóm hôm 17/8 kể từ khi giành quyền kiểm soát Kabul, Taliban khẳng định mong muốn có được các mối quan hệ hòa bình với những quốc gia khác, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để tái thiết đất nước.

Đại diện Taliban cũng công bố ân xá trên khắp Afghanistan, thúc giục người dân quay lại làm việc và kêu gọi phụ nữ tham gia vào chính quyền.

"Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ nên tham gia vào cấu trúc chính phủ theo luật Hồi giáo Sharia”, Enamullah Samangani, thành viên ủy ban văn hóa của Taliban nói.

Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen cũng quả quyết với hãng tin Dunya rằng, lực lượng này sẽ “tôn trọng quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số theo các chuẩn mực của Afghanistan và giá trị của Hồi giáo”.

Theo giới quan sát, phát biểu của các đại diện Taliban không cung cấp nhiều chi tiết nhưng ám chỉ nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan đang cố tạo lập quan điểm ôn hòa hơn so với thời điểm cai trị quốc gia Nam Á cách đây 20 năm.

Dẫu vậy, nhiều phụ nữ ở Afghanistan đã bày tỏ lo ngại về tương lai của họ dưới chính quyền mới do Taliban điều hành. Trước kia, khi Taliban nắm giữ quyền lực ở Afghanistan, chế độ này đã tước bỏ hầu hết quyền lợi của nữ giới.

Đông đảo người dân Afghanistan tỏ ra hoài nghi và chỉ dám ở trong nhà, vì chưa thôi ám ảnh với những gì xảy ra trong quá khứ, cũng như lo sợ tình trạng các tù nhân đào thoát khỏi các nhà tù sau khi Taliban tiếp quản thủ đô.

Tuấn Anh

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Taliban giàu tới mức nào?

Taliban giàu tới mức nào?

Một điều ít người biết là, nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Taliban có ngân sách hàng năm ước tính cao gấp 30 lần ngân sách quốc phòng của Chính phủ Afghanistan.

Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden

Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích sau bài phát biểu về Afghanistan, gần 24 giờ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, thâu tóm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á.