Các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn cho các nước thành viên.
Theo kế hoạch, người tị nạn sẽ được đưa từ Italy, Hy Lạp và Hungary tới những nước khác thuộc EU, hãng RT đưa tin. Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia và Hungary đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch này, còn Phần Lan bỏ phiếu trắng.
Động thái của các nước phản đối không hề gây ngạc nhiên, bởi vài giờ trước khi cuộc họp diễn ra Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka đã tuyên bố rằng nước này phản đối bất kỳ một hệ thống hạn mức nào.
Nhà lãnh đạo Czech còn cho hay, bất cứ nỗ lực nào nhằm áp đặt kế hoạch phân bổ sẽ kết thúc trong sự nhạo báng lớn đối với Ủy ban châu Âu và những chính phủ ủng hộ nó.
Sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Nội vụ Czech Milan Chovanec cũng lên tiếng bày tỏ sự bất bình. "Chúng ta sẽ sớm nhận ra 'Hoàng đế cởi truồng'. Hôm nay, sự nhất trí chung đã biến mất".
Thủ tướng Slovakia Robert Fico thì cho rằng, người nào quyết định thúc đẩy việc phân bổ người tị nạn một cách vô lý trên, thì chính họ đã gây ra bất đồng lớn trong vấn đề rất nhạy cảm này.
Tuy nhiên, theo quy định của EU, những nước bỏ phiếu phản đối đề xuất vẫn phải chấp nhận người tị nạn dù không muốn, một quan chức Liên minh châu Âu đề nghị giấu tên nói với báo New York Times sau cuộc họp.
Phần Lan là quốc gia duy nhất trong số 28 nước thành viên của EU bỏ phiếu trắng. Ba Lan, trước đây phản đối kế hoạch, nhưng sau đó đã bỏ phiếu ủng hộ.
Kế hoạch trên từng bị cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) chỉ trích và cho rằng nó không đầy đủ.
"Chỉ mỗi kế hoạch di chuyển vào thời điểm này của cuộc khủng hoảng là không đủ để ổn định tình hình", phát ngôn viên UNHCR Melissa Fleming nói, đồng thời kêu gọi EU thiết lập các trung tâm đón tiếp để giúp đỡ hàng chục nghìn người tị nạn vào lúc này.
Liên Hợp Quốc ước tính, chỉ riêng trong năm nay có 480.000 người di cư đã tới châu Âu và hiện đang cập bờ biển EU với tỷ lệ 6.000 người/ngày.
Sáng sớm hôm qua, cơ quan quản lý đường sắt Đức Deutsche Bahn đã dừng các chuyến tàu đi tới Áo và Hungary, với lập luận đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới để quản lý lượng người tị nạn tăng vọt.
Cuộc khủng hoảng tị nạn tệ nhất kể từ Thế chiến II đã khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu rơi vào trạng thái bất đồng, khi một số nước mở cửa đón người tị nạn trong khi các nước khác siết chặt kiểm soát biên giới.
Theo kế hoạch, trong ngày 23/9, lãnh đạo EU họp khẩn cấp, tập trung vào trợ giúp người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của Trung Đông cũng như siết chặt kiểm soát biên giới bên ngoài của khối.
- Hoài Linh