Tôm, cua Cà Mau ngày càng được ưa chuộng

Tối 10/12, tại TP Cà Mau đã diễn ra lễ kai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - 2023, với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt” -  là thông điệp khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau – Tôm Việt, đồng thời thể hiện niềm tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu Tôm Cà Mau nói riêng và Tôm Việt Nam nói chung lên tầm cao hơn. Sự kiện được diễn ra từ ngày 10 đến 13/12, tại tỉnh Cà Mau.

Phát biểu khai mạc Festival Tôm Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL – 2023 là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa, khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống; tôn vinh những người đã có công đóng góp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật góp phần sản xuất ra nhiều sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị gia tăng cao góp phần đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. 

Cũng theo ông Việt, trước đây thương hiệu cua Cà Mau đã được cả nước biết đến thì nay con tôm nối gót và trở thành niềm tự hào của chính quyền và nhân dân Cà Mau. Chính cua và tôm (tự nhiên hay nuôi biển) đang ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, qua đó cổ vũ cho nghề nuôi biển của địa phương, động viên ngư dân hăng hái đánh bắt và nuôi trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho mảnh đất địa đầu của Tổ quốc vốn còn nhiều khó khăn và vất vả này. Festival cũng là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá các sản vật của riêng Cà Mau – vùng đất mang nhiều giá trị văn hoá bản địa của vùng đất Phương Nam.

img 0915.jpg
Một đìa nuôi tôm càng xanh tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. 

Được biết, tổng sản lượng thủy sản hàng năm của Cà Mau đạt trên 600 nghìn tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 250 nghìn tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước năm 2023 đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. “Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Con tôm đã trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Cà Mau hiện nay...”, ông Việt vui mừng nói.

Cà Mau tập trung nuôi biển kết hợp bảo tồn sinh thái

Cũng theo ông Huỳnh Quốc Việt, Cà Mau cam kết tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần không chỉ đưa thương hiệu tôm, cua Cà Mau vươn xa - mà còn thúc đẩy nghề nuôi biển của địa phương vốn có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết – và đưa nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau cùng và các tỉnh vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói sâu về lĩnh vực nuôi biển, con tôm và con cua Cà Mau đã rất nổi tiếng nhưng không thể mãi đánh bắt mà không có nuôi trồng. Hiện nay diện tích vùng nuôi đang được Cà Mau mở rộng không chỉ với tôm và cua. Khu vực nuôi cũng được tịnh tiến ra xa bờ với những loài phù hợp với từng vùng nước (nước lợ, nước mặn) cho từng loài cá (cá chẽm, cá song (cá mú), cá giò (cá bớp), cá cam, đối mục, cá dìa, cá chim vây vàng); tôm, cua (khu vực ven bờ có phù sa) và nhuyễn thể…

Ví dụ, mô hình nuôi lồng bè ven đảo Hòn Chuối cách bờ trên 17 hải lý đang được Cà Mau ohats triển theo hướng nuôi biển công nghiệp gắn với công nghệ cao. Theo đó, Cà Mau đang thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư lồng nuôi kiểu mới (nhựa HDPE bền bỉ, thân thiện môi trường); xây dựng cảng bốc dỡ thức ăn chăn nuôi cá và xuất nhập cá nuôi biển kết hợp với phát triển du lịch. Theo đó, người nuôi sẽ được hỗ trợ các nguồn lực để chuyển đổi, tránh nuôi nhỏ lẻ và bấp bênh như hiện nay.

“Nuôi biển không chỉ là định hướng của địa phương mà còn là chiến lược trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cả nước. Theo đó Cà Mau cũng chuyển dần từ hoạt động đánh bắt sang nuôi trồng nhằm bảo tồn và tái tạo biển; xây dựng hệ sinh thái nuôi biển không chỉ riêng sinh thái ngành tôm, cua mà mục tiêu lâu dài là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…”, ông Việt kết luận.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV