Sau tuyến bài “Dự án ga đường sắt quy hoạch treo ở TP.HCM” phản ánh tình trạng 2 ga trọng điểm Bình Triệu và Thủ Thiêm nhiều năm không triển khai khiến hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh khốn khổ, Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (đơn vị được giao triển khai quy hoạch 2 dự án này) đã có phản hồi chính thức.
Các dự án đường sắt quan trọng của quốc gia đều chậm
Đại diện Ban quản lý (BQL) dự án đường sắt cho biết, ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg.
Theo đó, ga Bình Triệu thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng; ga Thủ Thiêm nằm trên ba tuyến: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM.
Hai ga này nằm trong mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP.HCM, trước đây được Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT ngày 6/6/2013.
“Do xuất phát điểm hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam còn thấp trên tất cả các phương thức vận tải, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông của nước ta đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn vốn khác chưa thực sự hiệu quả.
Thời gian qua, việc cân đối, bố trí và huy động nguồn vốn đầu tư trước mắt mới chỉ tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cấp thiết, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, trong khi đó đầu tư cho đường sắt đòi hỏi tính đồng bộ từ kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin tín hiệu, điều hành chạy tàu, đầu máy, toa xe,… nhu cầu vốn đầu tư lớn mới đảm bảo phát huy hiệu quả.
Do vậy, 2 dự án này nói riêng và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia nói chung đều chậm triển khai theo tiến độ quy hoạch”, đại diện BQL dự án đường sắt thông tin.
Đang đẩy nhanh quá trình xin chủ trương đầu tư
Hiện nay BQL dự án đường sắt được Bộ GTVT giao là chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để xin chủ trương đầu tư.
Đại diện BQL dự án đường sắt cho biết: “Để sớm triển khai đầu tư ga Thủ Thiêm, BQL dự án đường sắt đang đẩy nhanh quá trình xin chủ trương đầu tư các dự án, xác định nguồn lực và kêu gọi đầu tư, trong đó nguồn vốn Nhà nước cần mang tính chất dẫn dắt cho nguồn vốn nhà đầu tư tư nhân.
Đối với ga Bình Triệu thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng (là một ga của tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu), BQL dự án đường sắt sẽ phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND TP.HCM tiếp tục triển khai các quy hoạch, nghiên cứu và tìm kiếm nguồn lực đầu tư để sớm triển khai xây dựng”.
Phóng viên đặt câu hỏi: BQL có nhận được những kiến nghị, phản ánh của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch treo này không? Với vai trò là đơn vị được giao triển khai quy hoạch 2 dự án này, BQL có nhận thấy trách nhiệm của mình?, hướng gì để giải quyết tình trạng này?
Đại diện BQL dự án đường sắt thừa nhận, đối với các dự án đường sắt thuộc khu vực đầu mối TP.HCM nói chung và 2 dự án này nói riêng, việc chậm triển khai quy hoạch ảnh hưởng rất lớn đến người dân nằm trong quy hoạch.
"Nhận thức được điều này, với vai trò, nhiệm vụ của BQL dự án đường sắt được Bộ GTVT giao cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án này, BQL dự án đường sắt tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, để sớm xác định được nguồn lực đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng", đại diện BQL dự án đường sắt thông tin.
Vị trí ga Thủ Thiêm mang tính chất định hướng lâu dài
Trước ý kiến băn khoăn, có thực sự cần thiết đặt ga Thủ Thiêm tại khu đất vàng?, tại sao không sử dụng chung ga Suối Tiên để tiết kiệm đầu tư?, BQL dự án đường sắt cho biết, ga Thủ Thiêm có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Đây là ga của 3 tuyến đường sắt (đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị số 2). Ga cũng là điểm kết nối hành khách đường dài, hành khách Bắc - Nam đi đến TP.HCM, kết nối nội đô - ngoại ô của TP.HCM, kết nối TP.HCM với TP. Nhơn Trạch và Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
“Do đó, vị trí ga được lựa chọn tại Thủ Thiêm, trung tâm của TP. Thủ Đức mang tính chất định hướng lâu dài sẽ tạo động lực phát triển cho khu vực, phát triển các khu vực xung quanh ga sẽ nâng cao giá trị khu vực; thuận tiện và thu hút tốt hành khách. Việc thay đổi vị trí ga Thủ Thiêm đến vị trí khác sẽ làm mất đi tính chất quan trọng này”, đại diện BQL dự án đường sắt cho hay.
Cũng theo đại diện BQL dự án đường sắt, việc sử dụng chung ga Suối Tiên của tuyến Metro số 1 là không khả thi về nhiều mặt như: Tổ chức giao thông hành khách của đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM; quy hoạch khi phải điều chỉnh các tuyến đường sắt kết nối; kỹ thuật khi nhà ga Suối Tiên đã được xây dựng; không có quỹ đất cũng như tính toán cho các tuyến đường sắt kết nối.
Do đó, việc điều chỉnh ga Thủ Thiêm về ga Suối Tiên sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch giao thông khu vực TP.HCM.