Gameshow số 6 của Giải thưởng Chim Xanh đã đánh dấu bước đầu tiên của nửa chặng đường còn lại trước khi “lộ diện” top 10 game xuất sắc nhất năm 2015.

Với 6 game được giới thiệu thuộc nhiều thể loại khác nhau, gameshow số 6 càng trở nên hấp dẫn hơn với sự xuất hiện của một vị khán giả rất đặc biệt. Vị khán giả đặc biệt này đã tạo cho ban tổ chức Giải thưởng Chim Xanh nói riêng và toàn bộ thí sinh nói chung một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của ngành game ở Việt Nam. “Game không chỉ dành riêng cho lớp trẻ, ở các nước tiên tiến như tôi biết, người ta còn có game dành riêng cho lớp người cao tuổi. Và tôi tin, game sau này sẽ trở thành một nền công nghiệp của nước nhà chứ không phải là hiểu theo hướng không tốt như hiện nay.” – vị khán giả cao tuổi cho biết. Theo ông, ông cũng rất hi vọng các bạn thí sinh có thể ra đời những game phù hợp với người cao tuổi như ông. Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của ông đối với nền công nghiệp không khói này.

Sau đây, chúng tôi xin tổng hợp nôi dung chính của các game có mặt trong gameshow số 6 vừa qua.

Khủng long tinh nghịch – Dino Rush

Thuộc thể loại game thông thường (casual game – infinity run), nhưng Khủng long tinh nghịch được đánh giá cao không chỉ bởi vì đồ họa đẹp mắt mà còn bởi cách chơi của nó. Để đưa được chú khủng long đi xa nhất có thể, người chơi sử dụng 2 nút ở bên trái và bên phải màn hình để chọn nhảy 1 hoặc 2 bước. Trên đường đi, chú khủng long sẽ gặp rất nhiều trở ngại, nhiệm vụ của người chơi là phải khéo léo đưa nhân vật chính đi xa nhất có thể. Để “đánh lừa” người chơi hiệu quả hơn, 2 nút nhảy 1 và 2 bước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đúng như mục đích ban đầu của nhóm tác giả. Game được 2 giám khảo nam đánh giá rất cao và dành tặng 2 chim thích.

Chú nhện robot – Spidey bot

Chú nhện robot – một trong những cái tên thuộc thể loại game giải đố (puzzle game) được đánh giá cao nhất trong số nhóm puzzle game tham gia dự thi năm nay bắt đầu với câu chuyện của một chú nhện bị sản xuất lỗi trong 1 nhà máy robot. Với quyết tâm khẳng định chính mình như một sản phẩm hoàn hảo, chú nhện đã bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng cách tìm ăn những viên ngọc năng lượng để tiếp tục tiến về đích cuối cùng. Với đồ họa khá đẹp mắt và các màn chơi hấp dẫn được tăng dần độ khó, Chú nhện robot ngay lập tức ghi điểm với cả 3 vị giám khảo bất chấp thử thách “vừa rót nước vừa chơi game” mà MC Xoay mang đến cho ban giám khảo khi trải nghiệm game. 3 chim thích là kết quả hoàn toàn xứng đáng cho nhóm Dino Go.

Chiếc hộp nguy hiểm – Danger box

Gây ấn tượng mạnh mẽ với đồ họa 3D và cách di chuyển “có một không hai” để bắt đầu được trò chơi,  người chơi sẽ nhanh chóng bị thu hút và muốn chơi ngay lập tức – đó là thành công bước đầu của Danger box. Tác giả của Danger box là Nguyễn Thành Dương đến từ Vườn ươm Tinh Vân chỉ mất vỏn vẹn 2 ngàymiệt mài để cho ra đời Chiếc hộp nguy hiểm. Trong game, người chơi sẽ hóa thân vào chiếc hộp màu xanh và cố gắng để đưa bản thân mình vượt các chướng ngại vật trên đường và về đích bằng các cử chỉ đơn giản “một chạm” vào màn hình để điều hướng.

Tuy có lợi thế đồ họa về mặt 3D và rất nhiều màn chơi, song ban giám khảo đều nhất trí rằng tác giả có thể cải thiện đồ họa rất nhiều nếu có thời gian nhiều hơn là 2 ngày. Danger box chưa dành được sự yêu thích từ phía ban giám khảo, tuy nhiên, nếu bạn là fan của game mang đồ họa 3D như Crossy Road thì Danger box vẫn là một game không thể bỏ qua.

Vua hải tặc – Pirates saga

Nhóm tác giả Magik được thành lập từ năm 2011 với thành phần chủ yếu là các bạn sinh viên mới ra trường với đam mê làm game. Năm 2015, biết đến Giải thưởng Chim Xanh, nhóm đã cho ra đời Vua hải tặc để dự thi và game đã xuất sắc lọt vào top 50. Trong game, người chơi có nhiệm vụ điều khiển con tàu của mình tới đích an toàn bằng cách tránh hoặc “lừa” tàu của đối phương đâm vào các chướng ngại vật. Người chơi cần lưu ý rằng cứ với mỗi bước di chuyển của mình, tàu của đối phương cũng ngay lập tức di chuyển và hướng thẳng đến tàu chính.

Giám khảo JVevermind sau màn thử thách vừa chơi game vừa đọc bảng cửu chương, đã thừa nhận độ khó của trò chơi và tính hấp dẫn mà nó mang lại. Đương nhiên, với sự yêu thích của mình, giám khảo JVevermind không ngần ngại trao 1 chim thích của Vua hải tặc. Không dừng lại ở đó, 2 vị giám khảo còn lại cũng hoàn toàn bị thuyết phục và cũng dành 2 chim thích cho Vua hải tặc.

Ngài râu trắng – Frozen beard

Có vẻ như Giải thưởng Chim Xanh 2015 năm nay bội thu game được phát triển chỉ bởi 1 tác giả. Nếu như ở gameshow đầu tiên, Thế giới của Peter được giới thiệu đến người xem truyền hình được phát triển bởi 1 người, thì ở gameshow số 6 này, có đến tận 2 game được giới thiệu được phát triển chỉ bởi 1 tác giả. Ngài râu trắng của tác giả Lê Giang Nam được lấy hình tượng nhân vật từ phim hoạt hình Song of the Sea. Yêu thích phim và nhân vật ông tiên với bộ râu dài của Song of the Sea, nhân vật trong Frozen beard cũng có tạo hình với một bộ râu trắng và dài. Với cách chơi đơn giản, chỉ “một chạm” vào màn hình để thả câu, người chơi sẽ bị lôi cuốn vào trò chơi lúc nào không hay với những thử thách xuất hiện liên tục, như ngư lôi, lươn điện trong khi vẫn phải đảm bảo câu được cá để ghi điểm. Giám khảo JVevermind sau màn trải nghiệm xuất sắc của mình đã ưu ái dành tặng 1 chim thích cho Ngài râu trắng.

Zic Zac

Cũng thuộc thể loại casual game được giới thiệu trong gameshow lần này, cách chơi của Zic Zac cũng như đúng tên gọi của mình – người chơi chỉ cần điều chỉnh hướng chạy zic zac của nhân vật chính bằng 1 chạm duy nhất vào màn hình. Với Zic Zac, mục tiêu của game là tạo ra niềm hạnh phúc cho người chơi mỗi khi người chơi vượt qua được chính mình. Cũng như lời Che Guevara “Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một cuộc hành trình”, Zic Zac đã làm rất tốt điều đó. Với nhân vật chính được lấy ý tưởng từ nhân vật huyền thoại Mario, Zic Zac đã tạo nên sự hứng thú ngay từ khi người chơi đặt chân vào cuộc hành trình từ những phút đầu tiên. Không khó hiểu vì sao cả 3 vị giám khảo lại quyết định dành tặng Zic Zac cả 3 biểu tượng Chim thích. 

 

Bảo Việt