Từ Bắc Giang, Phạm Duy Chương, học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Dũng 3 được bố đưa đến ĐH Bách khoa Hà Nội để tham dự đợt 1 của kỳ thi đánh giá tư duy. Mong muốn đỗ vào trường, Chương quyết định tham gia thi ngay từ đợt đầu tiên để xem cấu trúc đề thi cụ thể ra sao, từ đó chủ động lên kế hoạch ôn tập hiệu quả hơn.

“Em đặt mục tiêu đạt 60/100 điểm trong lần thi này. Mặc dù mục tiêu không quá cao nhưng là lần đầu tham gia thi, em vẫn thấy lo lắng và hồi hộp”, Chương nói với VietNamNet.

Là học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Thân Hồng Anh vẫn đăng ký dự thi cùng các anh chị lớp 12 để “lấy tinh thần cho kỳ thi năm sau”. Từ 5 giờ sáng, Hồng Anh được bố mẹ và em trai cùng tới tận điểm thi để cổ vũ.

“Mặc dù bây giờ đi thi em nghĩ vẫn còn hơi sớm do chưa học hết chương trình, nhưng em thấy cần phải chuẩn bị trước để biết cấu trúc đề ra sao, từ đó lên phương án ôn tập từ năm nay. Trước đó, em đã làm phần thi thử và thấy đề cũng khá khó. Hiện em đạt khoảng 35/100 điểm.

W-z4938050159928-5c194ce029cea29af052a8f8125ce505-3.jpg
Thí sinh xếp hàng làm thủ tục trước khi vào phòng thi. Ảnh: Thúy Nga

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết đợt thi năm nay được bố trí sớm hơn mọi năm với mục tiêu để những học sinh tự tin về kiến thức của mình có thể tham gia thi sớm. Ngoài ra còn một mục tiêu khác là giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi và đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Cấu trúc của bài thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2023, gồm 3 phần: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học, trong đó, nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt. Đặc biệt, phần Tư duy Khoa học đã “xóa nhòa ranh giới” giữa các tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.

W-z4938050156914-de01141eef920d13279a9d1f75e2fd45-2.jpg
Thí sinh vào phòng thi. Ảnh: Thúy Nga

Về những băn khoăn khi các trường y dược sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển, theo ông Điền, hiện nay đang có hai luồng ý kiến.

Nhiều người cho rằng có thể sử dụng kết quả này do các trường y dược chỉ cần đánh giá tổng thể thí sinh về năng lực, tư duy và thấy các em đủ năng lực học tập là được. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng phải có nội dung Hóa học, Sinh học vì đây là nền tảng để người học có thể theo đuổi các môn vốn rất dài và khó của ngành y.

Ông Điền cho rằng, kỳ thi đánh giá tư duy hiện tại đều đáp ứng những yêu cầu này. “Tuy nhiên, nếu khối y dược đặt hàng ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy riêng cho khối này, trong đó giữ nguyên nội dung thi về đánh giá Tư duy Toán học và Tư duy Đọc hiểu. Riêng phần Tư duy Khoa học sẽ thiết kế theo hướng nhiều kiến thức về Hóa học và Sinh học”, ông Điền nói.

W-z4938050160431-22274fa1bfda25bc69c24b5a91e9a094-2.jpg

Theo thống kê, đợt 1 của kỳ thi Đánh giá tư duy có gần 3.000 thí sinh, chia thành 107 phòng thi tại 8 địa phương. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động bằng Căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh thí sinh nhằm triệt để chống việc thi hộ và gian lận trong thi cử.

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 6 đợt thi vào các ngày: 2-3/12/2023; 20-21/12/2023; 9-10/3/2024, 27-28/4/2024; 8-9/6/2024 và 15-16/6/2024 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng. 

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ 4 mônBộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Phương án được lựa chọn là phương án 2+2, tức là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn.