Trong hai ngày 23 và 24/3, Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức hội thảo “Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững”.

Hơn 60 chuyên gia đến từ 13 quốc gia châu Á Thái Bình Dương tham gia và bàn về việc giữ gìn di sản văn hóa và công tác giáo dục di sản trong trường học.

{keywords}
Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên - Việt Nam đã được UNESCO công nhận kiệt tác di sản phi vật thể

Việc thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục đã được thực hiện trong 2 năm (2013 và 2014) tại 4 quốc gia Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam.   

Báo cáo đề dẫn do đại diện của UNESSCO trình bày cho biết các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người. Vì vậy công tác giáo dục di sản – đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường – là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát tại một số trường THCS ở Việt Nam cho thấy có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam; 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào.

Từ năm 2013 Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc này được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với 3 môn Sử, Địa và Âm nhạc.

Các cơ quan hữu quan cũng vừa biên soạn được sách hướng dẫn Các bước xây dựng Kế hoạch dạy học có sử dụng Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có mở rộng ra các môn học là Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học.

Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông nhằm giúp học sinh có những hiểu biết về những giá trị của các di sản, qua đó giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa.

Ngân Anh