Bác sĩ CKII. Đồng Quang Tráng, Trưởng đơn vị Tiêu hóa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết, vừa qua, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, 12 tuổi. Em được cha mẹ đưa đến bệnh viện vì da xấu, nổi mẩn ngứa mà không biết rõ nguyên nhân. Bệnh nhân thuộc nhóm béo phì.

Qua thăm khám và khai thác thông tin, bác sĩ Tráng đã chỉ định cho em siêu âm gan. Đúng như lo ngại của anh, kết quả siêu âm cho thấy cậu bé đã bị gan nhiễm mỡ. Đây là tình trạng chất béo tích tụ nhiều trong gan, chiếm trên mức 5-10% trọng lượng lá gan. 

Theo bác sĩ Đồng Quang Tráng, những năm trước đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh không ghi nhận trẻ nhỏ bị gan nhiễm mỡ mà chủ yếu là người trưởng thành, do sử dụng rượu bia, lối sống không khoa học, hoặc do các bệnh lý chuyển hóa… 

Trẻ béo phì dễ bị gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, trẻ em bị gan nhiễm mỡ không còn hiếm nữa và xu hướng đang gia tăng. Đa phần các em thừa cân, béo phì, ít tập thể dục, áp lực học tập lớn. Như bệnh nhi trên, tôi phải dặn mẹ cho con học ít lại, phải cho con vận động vui chơi nhiều hơn”, anh nói. 

Khi biết kết quả, phụ huynh rất lo ngại vì đây là bệnh của người lớn hoặc do uống nhiều rượu. Sau khi được bác sĩ phân tích, hướng dẫn, cha mẹ em đã đồng ý giảm tần suất học tập, không cho em thức khuya, giảm ăn đồ béo. 

Hơn 1 tháng sau, nam sinh này đến tái khám. Kết quả siêu âm cho thấy mức độ gan nhiễm mỡ đã giảm rõ rệt. 

“Hiện nay không có thuốc đặc trị cho gan nhiễm mỡ. Trẻ em mắc bệnh cũng không dùng thuốc mà phải điều chỉnh lối sống. Đáng mừng là mức độ cải thiện ở trẻ em nhanh hơn người lớn rất nhiều, vì chuyển hóa cơ bản tốt”. 

Bác sĩ Đồng Quang Tráng cho hay, gan nhiễm mỡ là căn bệnh của thời đại. Bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng: người béo phì, người gầy, người lớn, trẻ nhỏ. “Theo quan sát ở nhóm trẻ mắc gan nhiễm mỡ, độ tuổi chủ yếu từ 12-16 tuổi, đa phần là trẻ béo phì. Nếu không điều trị, chỉ khoảng 10-15 năm sau, sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan, xơ hóa gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ”, anh chia sẻ.

Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Ở người lớn, bệnh cũng diễn tiến âm thầm. Nếu bệnh phát triển đến mức độ nặng, trẻ có thể chán ăn, mệt mỏi, sưng bụng, khó tiêu, đầy hơi, da dẻ xấu…Phụ huynh cần chú ý để phát hiện dấu hiệu khác thường.

Chế độ sinh hoạt, ăn uống có thể cải thiện mức độ gan nhiễm mỡ rõ rệt cho trẻ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có thể phát hiện được khi tầm soát sức khỏe với kỹ thuật siêu âm đơn giản. Để phòng bệnh cũng như cải thiện mức độ nếu mắc bệnh, trẻ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện lành mạnh. 

Cụ thể, trẻ nên tập thể dục thường xuyên, phù hợp với thể trạng, kiểm soát cân nặng; giảm áp lực học tập, thi cử, không thức khuya, tránh trạng thái lười vận động… 

Về chế độ ăn, trẻ cần hạn chế những thức ăn nhanh, những loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp. Thay vào đó là cá, rau xanh, trái cây…Thực đơn này có thể tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng.

Mặc dù gan nhiễm mỡ xảy ra chủ yếu trên trẻ thừa cân, béo phì, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ có bệnh lý mãn tính, bệnh lý chuyển hóa hoặc do dùng thuốc không phù hợp...