Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Gan là cơ quan nội tạng lớn, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể người lớn và khoảng 5% trọng lượng cơ thể trẻ em. Gan có chức năng tổng hợp các chất khi chúng ra ăn uống (đường, đạm, mỡ...) đồng thời đào thải chất độc.
Thực tế, mỡ luôn tồn tại trong gan nhưng dưới 5% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ nạp vào cơ thể nhiều và bị tích trữ lớn hơn 5% sẽ gây ra tình trạng gan nhiêm mỡ.
Hình ảnh bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được phát hiện trên hình ảnh siêu âm chủ yếu dựa vào các triệu chứng như tăng độ sáng tại các vùng khác nhau của gan hoặc tăng độ sáng của mô gan.
Tùy theo mức độ bệnh, hình thái gan trên siêu âm sẽ xuất hiện những đốm sáng rải rác hoặc tập trung thành từng khu. Khi gan bị nhiễm mỡ, bác sĩ siêu âm sẽ không nhìn thấy hoặc thấy không rõ hệ thống mạch bên ngoài trên gan.
Bên cạnh đó, khi gan bị nhiễm mỡ, hồi âm của gan sẽ vượt trội so với vỏ thận và lách, có sự suy giảm của sóng siêu âm, mất sự rõ nét của cơ hoành và phân định nghèo nàn các cấu trúc trong gan.
Dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là bệnh diễn tiến âm thần. Giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng. Người bệnh thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng. Triệu chứng này khá chung chung nên dễ bị bỏ qua.
Sau đó, mỡ tích lũy nhiều hơn, ảnh hưởng đến thể tích, khiến gan to ra. Một số trường hợp bị đau tức phần hạ sườn phải. Trường hợp nặng hơn sẽ bị vàng da – khi đó chức năng gan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các dấu hiệu của gan nhiễm mỡ thường rất kín đáo. Do đó, nếu thuộc nhóm nguy cơ, người bệnh cần tầm soát sớm để phát hiện, thay vì chờ đến khi có triệu chứng rõ ràng mới đi khám.
Nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Theo bác sĩ Cao Ngọc Tuấn, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gan nhiễm mỡ là uống rượu bia nhiều. Ở mức độ vừa phải, gan có thể chuyển hóa rượu bia thành các chất không độc. Nhưng nếu quá nhiều, gan không lọc được sẽ gây tổn thương tế bào gan, viêm, xơ hóa và gan nhiễm mỡ.
Béo phì: Nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ ở người béo phì cao gấp nhiều lần người bình thường do thường xuyên cung cấp chất béo vượt ngưỡng cơ thể hấp thu, gây ra hiện tượng tích tụ mỡ trong gan.
Mỡ máu cao: Lipid trong máu đi qua gan quá nhiều thì hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, nếu vượt quá khả năng chuyển hoá của gan sẽ làm mỡ trong máu tồn đọng.
Tiểu đường: Đường huyết cao sẽ tạo thành một lớp bao phủ khiến gan mất đi chức năng chuyển hoá cholesterol dẫn tới tình trạng tích tụ nhiều cholesterol gây ra gan nhiễm mỡ.
Dùng thuốc kéo dài: Một số trường hợp do uống thuốc điều trị bệnh khác kéo dài, quá trình chuyển hóa thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa mỡ ở gan. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân hiếm gặp.
Theo bác sĩ Tuấn, gan nhiễm mỡ là bệnh không di truyền. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây bệnh có thể di truyền, ví dụ tiểu đường, rối loạn mỡ máu có yếu tố gia đình. Trong khi đó, nguyên nhân rượu bia lại liên quan đến lối sống.
Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Theo thống kê, khoảng 50% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có nguy cơ diễn tiến thành viêm gan và xơ gan. Trong số viêm gan và xơ gan lại có từ 4-5% chuyển hóa sang ung thư gan.
Khi biến chứng gan nhiễm mỡ bắt đầu thì rất khó có cơ hội chữa khỏi, người bệnh phải chấp nhận sống chung với bệnh và điều trị kéo dài.
Gan nhiễm mỡ âm thầm tiến triển và tác hại lớn nhất của nó là ung thư gan. Bệnh càng diễn tiến nặng càng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Khi chuyển sang ung thư gan, người bệnh có thể phải điều trị xâm lấn như phẫu thuật hoặc thay ghép gan.
Các cấp độ của bệnh gan nhiễm mỡ
Một cách tương đối, bệnh được chia là 3 cấp độ:
Gan nhiễm mỡ độ 1: Tỷ lệ mỡ chiếm 5 - 10% trên tổng trọng lượng của gan. Các dấu hiệu thường rất nhẹ thậm chí không có.
Gan nhiễm mỡ độ 2: Tỷ lệ mỡ chiếm đến 10 - 25% trọng lượng của gan, mỡ đã lan rộng ra các mô gan. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành độ 3.
Gan nhiễm mỡ độ 3: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, rất khó điều trị và phục hồi, chức năng gan suy yếu. Nguy cơ tăng các biến chứng như xơ gan, ung thư gan, có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị gan nhiễm mỡ
Về điều trị, theo bác sĩ Cao Ngọc Tuấn, có thể chia làm 2 nhóm:
Nhóm gan nhiễm mỡ nhưng men gan bình thường: Phương pháp điều trị là điều chỉnh về lối sống, chưa cần dùng thuốc, thăm khám định kỳ mỗi 3-6 tháng.
Nhóm gan nhiễm mỡ có viêm gan và tổn thương gan: Xác định nguyên nhân gây bệnh để điều trị nguyên nhân, kết hợp với điều chỉnh lối sống, ngăn chặn diễn biến xấu hơn.
Bệnh gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể điều trị bằng thuốc, không phải phẫu thuật nhưng khi ở mức độ nặng như ung thư gan, kế hoạch can thiệp sẽ xâm lấn hơn. Thậm chí, một số trường hợp phải tính toán đến ghép gan.
Dự phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Nếu không mắc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, người dân hoàn toàn có thể phòng bệnh bằng việc cải thiện lối sống và sinh hoạt.
Thể dục thể thao: Nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, ít nhất 30 phút/ngày và tối thiểu 3 lần/tuần, tốt nhất là 5 lần/tuần. Việc này giúp duy trì cân nặng ổn định và giảm lượng mỡ trong gan.
Chế độ ăn: Cần tăng cường ăn nhiều rau quả xanh để bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin A và E. Rau quả giúp tăng cường chức năng, mát gan, tránh tích tụ thêm mỡ trong gan.
Với đạm động vật, nên chọn ăn cá, thịt gà; hạn chế ăn nội tạng, thịt bò là các loại đạm động vật giàu cholesterol khiến tăng nguy cơ tích lũy mỡ và tạo gánh nặng cho gan.
Hạn chế rượu bia vì ảnh hưởng đến gan và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Nếu uống, nên uống mức độ vừa phải, từ từ, không uống nhiều trong thời gian ngắn. Người đã mắc gan nhiễm mỡ phải tuyệt đối bỏ rượu bia.
Ngoài ra, người dân nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Nếu xét nghiệm máu có men gan tăng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các siêu âm, xét nghiệm khác để phát hiện bệnh. Trong một số trường hợp, nếu nghi ngờ có xơ gan sẽ siêu âm thêm để xác định mức độ xơ gan trên bệnh nhân gan nhiễm mỡ.