Sản xuất hồi phục
Lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được giảm 50% từ 1/12/2021 - giải pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô vượt qua khó khăn do đại dịch Covid gây ra. Trên thực tế, chính sách này đã 3 lần được ban hành và góp phần quan trọng giúp ngành ô tô phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 28/6 đến hết 31/12/2020. Ngay sau đó, doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lập tức tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp của các DN thành viên 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 67.516 xe, nhưng từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 đã đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi. Tương tự, tại TC Motor (DN ngoài VAMA), 6 tháng đầu năm ngoái chỉ đạt doanh số bán 28.014 xe thì 6 tháng cuối năm là 53.354 xe, tăng gần gấp đôi.
Xe trong nước được giảm 50% lệ phí trức bạ từ 1/12/2021. |
Các DN dự báo, trong 6 tháng tới, thị trường ô tô sẽ khởi sắc. Lệ phí trước bạ giảm sẽ kích cầu thị trường, doanh số bán xe trong nước sẽ tăng trưởng mạnh giống như nửa cuối năm 2020. Qua đó, gia tăng sản lượng, giúp đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo các DN, do chỉ được hỗ trợ lệ phí trước bạ trong 6 tháng nên hết thời gian này, ô tô trong nước khó duy trì được lợi thế với xe nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, luỹ kế từ đầu 2021, lượng xe nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đạt 129.733 xe, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xe con, số lượng là 90.029, xe tăng 50% so với cùng kỳ 2020. Ô tô con nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia.
Dù cũng gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhập khẩu ô tô năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Ô tô nhập khẩu lại có lợi thế hơn so với sản xuất trong nước về chi phí từ 15-20%.
Để tạo ra những chiếc ô tô, cần có sự đóng góp lớn của công nghiệp hỗ trợ, với chuỗi cung ứng là các DN sản xuất linh phụ kiện. Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô luôn thu hút số lượng lớn các DN thuộc nhiều lĩnh vực tham gia. Nó không chỉ nâng cao khả năng sản xuất của từng DN mà còn của cả quốc gia, tạo cơ sở để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vẫn chờ chính sách dài hạn
Tuy nhiên, để công nghiệp hỗ trợ phát triển phải dựa trên quy mô thị trường lớn, như có nhiều mẫu xe với sản lượng lớn. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2021, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã xuất xưởng khoảng 239.700 xe các loại, ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 300.000 xe. Con số này chỉ bằng một nửa tổng công suất các nhà máy ô tô tại Việt Nam một năm.
Với khoảng 40 mẫu xe các loại đang sản xuất lắp ráp, tổng sản lượng trên là rất thấp. Tính bình quân chỉ khoảng 7.000 xe/mẫu/năm. Trong khi đó, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, một mẫu xe cần đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm.
Những chính sách ưu đãi với ngành ô tô không đủ hấp dẫn. |
Riêng với phân khúc ô tô từ 16 chỗ trở xuống, do tác động của dịch Covid-19, doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước không tăng dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2019 doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 16 chỗ trở xuống đạt 216.354 xe, còn cùng thời gian này năm 2021 chỉ đạt 203.762 xe.
Trong đó, mẫu xe có doanh số bán cao nhất là Vios, cả năm 2019 đạt hơn 27.000 xe, nhưng 10 tháng năm 2021 chỉ bán được 14.394 xe; đứng thứ hai là Hyundai Accent, cả năm 2019 bán được 19.719 xe, thì 10 tháng 2021 bán được 16.382 xe.
Các chuyên gia cho rằng, những chính sách ưu đãi với ngành ô tô không đủ hấp dẫn. Với công nghiệp hỗ trợ, hiện chỉ có quy định chung về ưu đãi đầu tư cho tất cả các dự án, trong khi ngành này đòi hỏi sự chuyên sâu về công nghệ và kỹ thuật, việc quy định chung như vậy không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao. Hơn nữa, hỗ trợ lại không xét đến quy mô đầu tư nên không tạo động lực cho các DN đầu tư lớn. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đối với công nghiệp hỗ trợ ô tô còn rất sơ sài, không thể hiện tham vọng cũng như tầm nhìn về phát triển ngành.
Đã thế, thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi lại cao, với xe sản xuất lắp ráp trong nước phải chịu từ 35-50%. Rồi thuế giá trị gia tăng chồng thêm 10% nữa. Thuế chồng thuế khiến giá bán các dòng xe dưới 10 chỗ tăng vọt, ảnh hưởng đến các DN sản xuất linh phụ kiện, lắp ráp ô tô trong nước.
Thực tế cho thấy, chỉ cần giảm 50% lệ phí trước bạ, những chiếc ô tô dưới 10 chỗ ngồi thuộc phân khúc bình dân, sản xuất lắp ráp trong nước giảm từ 15-90 triệu đồng khiến doanh số bán tăng vọt.
Giảm phí trước bạ giúp nhiều người có điều kiện mua ô tô, trong khi DN tăng được sản lượng, còn Nhà nước tăng thu cho ngân sách hơn 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác, như nhận định của Bộ Tài chính.
Để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô, cũng như cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, các DN kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống các chính sách khuyến khích ưu đãi sản xuất trong nước thật hấp dẫn và mang tính dài hạn.
Trần Thủy