Thống kê từ Bộ NN-PTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4-7,0 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43-46% (khoảng 3 triệu tấn) tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đặc biệt là các mặt hàng nông sản như thủy sản, trái cây, cà phê và gạo.

Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NNN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, Hiệp định EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng.

{keywords}
Gạo Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp nước ta, EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về lô gạo thơm xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine85 được đóng gói theo quy cách 18kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.

Theo đó, từ năm 2018, doanh nghiệp này luôn chú trọng đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU và đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng.

Khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp. Đồng thời ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng.

“Với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, doanh nghiệp sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Nhà nước đã mang lại, đưa hạt gạo Việt Nam nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các thị trường trên khắp thế giới”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, hàng năm, EU nhập khẩu gạo 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Theo đó, khi thực hiện hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU.

Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đi EU đạt trên 15,8 nghìn tấn với giá trị đạt gần 8,5 triệu USD. Từ  ngày 4/9-17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng gần 4,3 nghìn tấn gạo thơm.

So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo gạo của Việt Nam sang EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia. Song, Bộ NN-PTNT nhận định, xuất khẩu gạo của nước ta, trong đó có mặt hàng gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Đáng chú ý, gạo Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường này khi được hưởng thuế suất ưu đãi theo EVFTA. Trong khi đó, 2 đối thủ xuất khẩu gạo lớn gạo vào EU của Việt Nam là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn (2020) và 125 Euro/tấn (2021).

Hải Băng